Mặc dù xuất khẩu cả nước 5 tháng/2013 tăng nhưng nhóm mặt hàng nông, lâm, thủy sản vẫn giảm. Để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường, Bộ Công Thương đã tập trung đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ nhất là xuất khẩu dịch vụ và xuất khẩu tại chỗ.
Sản xuất công nghiệp khả quan hơn
Theo báo cáo của Bộ Công Thương, tháng 5, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tăng 6,7% so với tháng 5/2012. Trong đó: ngành công nghiệp khai khoáng tăng 5,9%; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 6,8%; ngành sản xuất, phân phối điện tăng 8,1% và ngành cung cấp nước và xử lý nước thải, rác thải tăng 9,3%.
Mặc dù tình hình kinh tế phục hồi chậm, trong nước, sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp vẫn còn nhiều khó khăn như: giá các loại hàng hóa, nguyên vật liệu đầu vào trên thị trường thế giới biến động thất thường; thị trường cạnh tranh trong nước cũng như xuất khẩu ngày càng gay gắt, phức tạp... nhưng hoạt động sản xuất công nghiệp tháng 5 và 5 tháng tiếp tục chuyển biến tích cực, tháng sau tăng cao hơn tháng trước.
Thị trường mùa nóng sôi động
Do thời tiết nắng nóng gay gắt kéo dài nên thị trường điện lạnh mùa hè năm nay sôi động sớm hơn mọi năm. Sức mua hàng điện tử, điện lạnh, máy phát điện tăng mạnh (chỉ số tiêu thụ sản phẩm điện tử dân dụng tháng 4 tăng 20,4% so với tháng 3. Tuy nhiên tính chung 4 tháng thì sức tiêu thụ chỉ bằng 86,7% cùng kỳ). Người tiêu dùng không chỉ quan tâm về giá mà còn quan tâm đến chất lượng phục vụ và chế độ hậu mãi của các doanh nghiệp bán hàng. Các cửa hàng, siêu thị điện máy cũng đã dự trữ nguồn hàng để sẵn sàng đáp ứng nhu cầu.
Thị trường nước giải khát cũng bắt đầu sôi động với nhiều chủng loại, phong phú. Sản lượng sản xuất bia các loại tháng 5 ước đạt 256,9 triệu lít, tăng 1,3% so với tháng 5 năm 2012.
Theo Bộ Công Thương, mặc dù nhu cầu tăng nhưng giá cả ít biến động do sức ép từ việc cạnh tranh với sản phẩm của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, sản phẩm nhập khẩu của các thương hiệu nổi tiếng và sản phẩm nhập lậu qua đường biển và các cửa khẩu trên toàn bộ tuyến biên giới đất liền.
Xuất khẩu nông, lâm thủy sản vẫn giảm
Tháng 5, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 10,8 tỷ USD, tăng 7,6% so với tháng 4 và tăng 11,8% so với tháng 5 năm 2012. Tính chung 5 tháng, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 49,94 tỷ USD, tăng 15,1% so với cùng kỳ, trong đó, xuất khẩu của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (không kể dầu thô) ước đạt hơn 29,74 tỷ USD, tăng 25,8%.
Xét theo nhóm hàng, kim ngạch xuất khẩu nhóm nông, lâm, thuỷ sản ước đạt gần 7,92 tỷ USD, giảm 8,5%. Một số sản phẩm xuất khẩu truyền thống có kim ngạch giảm như thủy sản giảm 2,5%; cà phê giảm 20,8%; gạo giảm 5,3%; sắn và các sản phẩm từ sắn giảm 11,3%; cao su giảm 26,7%. Như vậy, đây là tháng tiếp theo, xuất khẩu nhóm nông, lâm, thủy sản giảm.
Cũng theo báo cáo, tháng 5, nhập siêu đạt 1,2 tỷ USD. Tính chung 5 tháng nhập siêu 1,92 tỷ USD, bằng 3,85% tổng kim ngạch xuất khẩu. Khu vực FDI (kể cả dầu thô), khu vực FDI xuất siêu gần 4,07 tỷ USD.
Trước tình hình xuất nhập khẩu như hiện nay, Bộ Công Thương đã tập trung đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ (nhất là xuất khẩu dịch vụ và xuất khẩu tại chỗ); phối hợp rà soát bổ sung, sửa đổi tăng thuế nhập khẩu phù hợp với cam kết hội nhập quốc tế đối với các mặt hàng trong Danh mục máy móc, thiết bị, vật tư, nguyên liệu trong nước đã sản xuất được.
Theo Báo Công Thương Điện Tử