Bắt đầu từ ngày 1/6, nhiều chính sách mới của Chính phủ, các bộ ngành sẽ có hiệu lực thi hành, tác động đến nhiều đối tượng, lĩnh vực của nền kinh tế.
Đáng chú ý là Thông tư 11/2013 của Ngân hàng Nhà nước quy định về cho vay hỗ trợ nhà ở xã hội theo Nghị quyết 02 ngày 7/1/2013 của Chính phủ với mức lãi suất cho vay hỗ trợ nhà ở đối với khách hàng là 6%/năm, được Ngân hàng Nhà nước công bố hằng năm và áp dụng cho các khoản vay có dư nợ trong năm.
Thông tư nêu rõ, định kỳ vào tháng 12 hằng năm, Ngân hàng Nhà nước xác định và công bố lại mức lãi suất áp dụng cho năm tiếp theo, bằng khoảng 50% lãi suất cho vay bình quân của các ngân hàng trên thị trường, nhưng không vượt quá 6%/năm.
Thời gian được hỗ trợ lãi suất tối đa là 10 năm đối với đối tượng mua, thuê, thuê mua nhà ở; và tối đa 5 năm đối với doanh nghiệp, nhưng không vượt quá thời điểm 1/6/2023. Tổng giá trị của gói tín dụng khoảng 30.000 tỷ đồng từ nguồn tái cấp vốn của Ngân hàng Nhà nước, với thời gian giải ngân tối đa là 36 tháng kể từ ngày 1/6/2013.
Cũng liên quan đến lĩnh vực bất động sản, bắt đầu từ 1/6/2013, Nghị định 34 của Chính phủ về cho vay hỗ trợ nhà ở có hiệu lực với 8 đối tượng được thuê, thuê mua nhà ở xã hội gồm: người có công với cách mạng; Cán bộ, công chức, viên chức trong cơ quan hành chính, sự nghiệp, cơ quan Đảng và đoàn thể hưởng lương từ ngân sách nhà nước; Sỹ quan, quân nhân chuyên nghiệp thuộc lực lượng vũ trang nhân dân hưởng lương từ ngân sách nhà nước; người thu nhập thấp, hộ nghèo có khó khăn về nhà ở tại khu vực đô thị….
Với lĩnh vực kinh tế, kinh doanh, Nghị định 30/3013 về kinh doanh vận chuyển hàng không và hoạt động hàng không chung quy định vốn tối thiểu để thành lập hãng hàng không và duy trì kinh doanh vận chuyển hàng không từ 300 - 1.300 tỷ đồng (tùy số lượng tàu bay khai thác).
Cụ thể, vốn tối thiểu để thành lập hãng hàng không và duy trì kinh doanh vận chuyển hàng không khai thác đến 10 tàu bay là 700 tỷ đồng Việt Nam (đối với hãng hàng không có khai thác vận chuyển hàng không quốc tế) hoặc 300 tỷ đồng Việt Nam (đối với hãng hàng không chỉ khai thác vận chuyển hàng không nội địa).
Đối với hãng hàng không khai thác từ 11-30 tàu bay, vốn tối thiểu là 1.000 tỷ đồng Việt Nam (đối với hãng hàng không có khai thác vận chuyển hàng không quốc tế) hoặc 600 tỷ đồng Việt Nam (đối với hãng hàng không chỉ khai thác vận chuyển hàng không nội địa).
Còn với hãng hàng không khai thác trên 30 tàu bay, vốn tối thiểu là 1.300 tỷ đồng Việt Nam (đối với hãng hàng không có khai thác vận chuyển hàng không quốc tế) hoặc 700 tỷ đồng Việt Nam (đối với hãng hàng không chỉ khai thác vận chuyển hàng không nội địa). Vốn tối thiểu để thành lập hãng hàng không kinh doanh hàng không chung vì mục đích thương mại là 100 tỷ đồng Việt Nam.
Một chính sách quan trọng khác là quyết định số 24/2013 của Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, bổ sung khoản 1 điều 1 Quyết định số 36/2011 về việc ban hành mức thuế nhập khẩu xe ôtô chở người từ 15 chỗ ngồi trở xuống đã qua sử dụng, từ ngày 20/6/2013, mức thuế nhập khẩu đối với mặt hàng xe ôtô chở người từ 9 chỗ ngồi trở xuống (kể cả lái xe) có dung tích xi lanh dưới 1.500cc đã qua sử dụng sẽ được điều chỉnh tăng so với quy định hiện hành.
Cụ thể, xe ôtô chở người từ 9 chỗ ngồi trở xuống (kể cả lái xe) dung tích xi lanh dưới 1.000cc có mức thuế nhập khẩu là 5.000 USD/chiếc. Xe ôtô chở người từ 9 chỗ ngồi trở xuống (kể cả lái xe) dung tích xi lanh từ 1.000cc đến dưới 1.500cc có mức thuế nhập khẩu là 10.000 USD/chiếc.
Ngoài ra, một số chính sách khác như quy định khác như quy định 6 nhóm 6 nhóm đơn vị không được đình công, quy định mới về 3 loại thuốc tử hình gồm: Thuốc dùng để gây mê (Sodium thiopental); thuốc dùng để làm liệt hệ thần kinh và cơ bắp (Pancuronium bromide); thuốc dùng để ngừng hoạt động của tim (Potassium chloride) cũng sẽ có hiệu lực từ 23/6 và 26/6 này.
Theo VnEconomy
|