Angola là thị trường lao động hấp dẫn với mức lương khởi điểm 800 USD/tháng. Tuy nhiên, thị trường tiềm năng này cũng khiến người lao động gặp nhiều rủi ro khi đi theo đường không chính thống.
Cục trưởng Cục Quản lý Lao động ngoài nước Nguyễn Ngọc Quỳnh, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết: Hiện nay, Bộ chưa cho phép bất cứ tổ chức cá nhân nào đưa lao động Việt nam sang Angola làm việc do các điều kiện về hợp đồng chưa đảm bảo.
Số đông lao động Việt Nam sang Angola theo hạn ngạch lao động do các công ty nước ngoài xin và “bán” lại cho những cá nhân Việt Nam tại Angola. Khi sang đến Angola, người lao động không làm việc cho chủ sử dụng là các nhà thầu đứng tên trong visa mà làm việc cho “cai đầu dài” là các cá nhân và doanh nghiệp khác.
Một bộ phận lao động khác sang Angola bằng visa du lịch có thời hạn 3 tháng (sau đó tìm cách chạy chọt để chuyển thành visa lao động), thông qua một số người Việt tại Angola hợp tác với các cá nhân tại Việt Nam tổ chức.
Theo tìm hiểu của PV Báo Điện tử Chính phủ, lao động sang Angola theo các hình thức trên phải chịu chi phí lớn (khoảng 6.500 USD), trong đó riêng tiền visa lao động khoảng 1.900 USD nộp cho Đại sứ quán Angola.
Về quy chế pháp lý của lao động, mặc dù về hình thức, phần lớn người lao động có visa lao động, nhưng do không làm việc cho chủ sử dụng lao động được cấp hạn ngạch nên vẫn là lao động không hợp pháp. Theo luật pháp Angola, những người lao động như vậy khi phát hiện sẽ bị phạt 1.000 USD và trục xuất về nước.
Như vậy, người lao động chịu nhiều rủi ro ngay từ khâu làm thị thực đến khi xuất cảnh, không được trang bị các kiến thức tối thiểu về các quy định, luật pháp của nước bạn cũng như các kiến thức để đảm bảo sức khỏe của mình trong quá trình lao động.
Đối với những lao động đi làm thuê, thu nhập trung bình hàng tháng đạt khoảng 700-800 USD, những người sang được 2-3 năm thu nhập có thể đạt 1.000-1.200 USD/tháng. Thường chủ sử dụng lao động sẽ cung cấp chỗ ở (lán, trại tại ngay các công trình xây dựng) và nuôi ăn hàng ngày (với chi phí khoảng 200USD/tháng).
Tuy nhiên, nếu lao động bị cảnh sát bắt sẽ bị đưa vào tù hoặc bị trục xuất về nước. Những cái chết đau lòng vì cảm mạo, sốt rét, tai nạn lao động trong thời gian qua là minh chứng rõ rệt sự rủi ro của những lao động này.
Nhận diện lao động Angola
Theo tìm hiểu của phóng viên Báo điện tử Chính phủ, hiện tại, Angola ưu tiên tiếp nhận 2 nhóm lao động nước ngoài vào làm việc. Nhóm 1 là các chuyên gia y tế, giáo dục, nông nghiệp và lao động kỹ thuật cao. Việc tuyển dụng lao động nhóm này dựa trên Bản Ghi nhớ hoặc Thỏa thuận về Hợp tác lao động giữa Chính phủ Angola và nước phái cử.
Nhóm 2 là những người vào làm cho chủ đầu tư dự án tại Angola có vốn trên 1 triệu USD. Nhóm người này dễ dàng được cấp visa lao động với thời hạn 6 năm, sau 5 năm làm việc còn có thể nộp đơn xin thẻ định cư tại Angola.
Ngoài hai nhóm lao động nói trên, Angola cũng cho phép các doanh nghiệp nhận lao động nước ngoài với điều kiện lao động có giấy phép của chủ sử dụng lao động để làm thủ tục xin visa làm việc tại Đại sứ quán Angola ở nước phái cử. Visa lao động có thời hạn cư trú/làm việc 1 năm, thể hiện cùng với các chi tiết khác kể cả tên chủ sử dụng.
Người lao động có nhu cầu sẽ được gia hạn visa 2 lần, mỗi lần 1 năm, tổng thời gian làm việc tại Angola không quá 3 năm. Hồ sơ gia hạn visa lao động được Cơ quan Di trú Angola thực hiện tại trụ sở chính Luanda hoặc tại các tỉnh có Văn phòng của Cơ quan Di trú.
Nếu người lao động làm việc không đúng cho chủ sử dụng ghi trên thị thực sẽ được coi là lao động bất hợp pháp và không được pháp luật Angola bảo vệ khi gặp tai nạn hoặc chết.
Người lao động nước ngoài hợp pháp được đối xử như công dân của Angola. Người lao động được hưởng chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế. Các tranh chấp phát sinh xảy ra đối với lao động nước ngoài trong quá trình làm việc tại Angola được Bộ Lao động xem xét, giải quyết và hỗ trợ.
Quản lý nhà nước đối với người lao động nước ngoài tại Angola được phân cấp theo Bộ quản lý chuyên ngành có thẩm quyền xem xét, cấp chỉ tiêu trực tiếp cho người sử dụng lao động. Bộ Lao động Angola chỉ tổng hợp nhu cầu tiếp nhận lao động nước ngoài của các Bộ, sau đó cân đối với số lượng lao động Angola được đào tạo trong nước để đề xuất cho Chính phủ giao chỉ tiêu cho các Bộ, ngành.
Đây là một thị trường nhiều tiềm năng, hiện cơ quan chức năng Việt Nam đang có những nỗ lực để "mở lối" đưa lao động sang thị trường này.
Theo Chinhphu.vn