Cùng với những lo ngại mà Trung Quốc đang gieo rắc trên biển Đông, các nghịch lý trong quan hệ thương mại Việt-Trung đang diễn ra cũng không kém phần âu lo.
Theo ông Phạm Gia Túc, Phó chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Phó chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam - Trung Quốc, giai đoạn 2000-2010 chứng kiến sự tăng trưởng mạnh mẽ của kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam - Trung Quốc với tốc độ trung bình 32%/năm. Mục tiêu kim ngạch thương mại hai chiều được kỳ vọng sẽ đạt mốc 60 tỷ USD vào năm 2015.
Trung Quốc là một thị trường tiềm năng quan trọng, đồng thời là cơ hội cho Việt Nam khai thác ở phương diện xuất khẩu hàng hóa thế mạnh, đồng thời chuyển giao công nghệ, kỹ thuật...
Tuy nhiên, dường như Việt Nam đã có phần dễ dãi khi để Trung Quốc ung dung thực hiện những "chiêu bài thương mại" có tính thặng dư cao.
Nhìn lại toàn bộ bức tranh thương mại Việt-Trung, không ít người giật mình khi Trung Quốc đa phần nằm "kèo trên" trong các quan hệ giao dịch thương mại, đặc biệt là các lĩnh vực nhạy cảm như năng lượng và lương thực.
Từ nghịch lý điện
Sẽ không khỏi bất ngờ khi năm 2012, Việt Nam vẫn tiếp tục nhập khẩu điện từ Trung Quốc với số lượng lớn, bất chấp những nỗ lực sản xuất của các nhà máy điện nội địa. Số liệu thống kê năm 2012 cho thấy, khai thác điện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đạt 54,4 tỷ kWh, vượt kế hoạch 3,58 tỷ kWh.
Năm 2012 được đánh giá là năm "thừa điện" nhưng nhập khẩu điện từ Trung Quốc vượt mốc 2,5-2,8 tỷ kWh. EVN còn dự kiến mua khoảng 3,6 tỷ kWh điện từ Trung Quốc trong năm 2013.
Trong khi các nhà máy thủy điện đua nhau mọc lên, sản lượng điện tăng khá mạnh thì điện Trung Quốc vẫn "làm mưa làm gió” ngay tại sân nhà Việt Nam. Đáng lưu ý hơn, EVN mua điện nội địa với mức giá thấp còn điện Trung Quốc bán cho Việt Nam với mức giá cao, có xu hướng tăng nhanh trong những năm gần đây.
Theo số liệu của Bộ Công Thương, năm 2011, giá điện nhập khẩu từ Trung Quốc là 5,8 cent/kWh, tăng lên 6,08 cent/kWh (khoảng 1.300 đồng/kWh) trong năm "thừa điện" 2012.
Trái lại, giá điện nội địa từ các nhà máy thủy điện nhỏ vẫn chỉ ở mức khoảng 800 - 900 đồng/kWh, có khi xuống mức 500 - 600 đồng/kWh. Giá nhiệt điện than có phần nhỉn hơn nhưng cũng chỉ khoảng 1.280 - 1.300 đồng/kWh.
Chính cơ chế mua bằng hình thức bao tiêu, ký hợp đồng từ đầu năm với Trung Quốc, trong khi lượng cung điện trong nước chưa có dự báo tốt khiến lượng điện nội địa thất thường đã khiến điện Việt Nam "thừa vẫn mua" và chua xót hơn là phải mua điện với giá cao hơn điện tự sản xuất.
Đến trớ trêu gạo
Bên cạnh năng lượng điện, mặt hàng nông sản trong quan hệ thương mại Việt-Trung cũng gặp những vấn đề lớn. Báo cáo tổng kết của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, năm 2012, ngành nông nghiệp đã xuất khẩu được 10,6 tỷ USD.
Tuy nhiên, thực trạng "được mùa mất giá” vẫn cứ diễn ra, điển hình như: sắn và sản phẩm sắn tăng 55,2% về lượng nhưng giá lại giảm 16,8%; cà phê tăng 37,9% về lượng, giảm 6,2% về giá; hạt điều tăng 25,6% về lượng, giảm 15% về giá...
Đáng chú ý nhất là xuất khẩu gạo với sản lượng tăng 13,1%, nhưng giá đã giảm xuống 7,1%.
Theo số liệu từ Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), trong năm 2012, Trung Quốc nhập khẩu 2,6 triệu tấn gạo, gấp hơn 4,5 lần so với mức nhập khẩu 575.000 tấn hồi năm 2011, vượt xa dự báo của Cơ quan Nông lương Liên hiệp quốc (FAO).
● Thâm hụt thương mại của Việt Nam với Trung Quốc tăng từ 9 tỷ USD năm 2007 lên 16,4 tỷ USD vào năm 2012.
● Việt Nam và Trung Quốc đề ra chỉ tiêu tăng trao đổi thương mại hai chiều từ 41 tỷ USD trong năm 2012 lên 60 tỷ USD trong năm 2015.
● Giữa tháng 12/2012, trong khi giá gạo Việt Nam xuất khẩu chỉ ở mức 410 USD/tấn, thì cùng loại gạo đó, Chính phủ Trung Quốc mua trợ giá từ người dân nước họ với mức giá lên đến 635 USD/tấn.
Nguồn: Doanh nhân Sài Gòn |
Trong đó, Trung Quốc vượt Indonesia, trở thành đối tác nhập khẩu gạo số 1 của Việt Nam với 1,43 triệu tấn (chỉ tính riêng 10 tháng đầu năm 2012).
Nghịch lý diễn ra không chỉ ở việc Trung Quốc nhập khẩu gạo tăng đột biến trong khi nước này đứng đầu thế giới về sản xuất gạo, mà còn ở chỗ người dân Trung Quốc bán gạo cho chính phủ nước này "cất vào kho" với giá cao, còn mua gạo Việt với giá rẻ hơn nhiều để sử dụng.
Trớ trêu là gạo "chảy máu" sang Trung Quốc càng nhiều thì thặng dự từ hạt gạo mà người nông dân mất đi lại chảy vào túi người Trung Quốc càng lớn.
Ai cũng biết, năng lượng và lương thực là hai trong số những lĩnh vực quan trọng ảnh hưởng trực tiếp đến các yếu tố chính trị, an ninh, xã hội và sự sự phát triển bền vững của đất nước.
Thế nên, hạn chế sự phụ thuộc và "chảy máu" nguồn lực thiết yếu mà điển hình là năng lượng và lương thực, sẽ là cách tự vệ hiệu quả của thương mại Việt Nam trước Trung Quốc nhiều toan tính.
Theo Doanh nhân Sài Gòn
|