Việc tham dự các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới giúp Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường Mỹ, châu Âu và giảm phụ thuộc nhập khẩu nguyên phụ liệu từ khu vực Đông Á, nhất là Trung Quốc.
Đây là nhận định được nhiều chuyên gia, diễn giả nêu ra tại hội thảo “Quốc hội với việc đàm phán, phê chuẩn và thực hiện các hiệp định thương mại tự do (FTA)” do Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội và Cơ quan Phát triển quốc tế Mỹ (USAID) tổ chức ngày 17-4, tại TP HCM.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh cho biết nếu các FTA thế hệ cũ đề cập nhiều đến giảm thuế hàng hóa, dịch vụ và đầu tư thì các FTA thế hệ mới còn có thêm nhiều lĩnh vực như mua sắm, đầu tư công, lao động, môi trường, sở hữu trí tuệ, doanh nghiệp nhà nước… Trong khi đó, Mỹ, EU theo đuổi FTA thế hệ mới do sức ép từ các tập đoàn đa quốc gia với sự phát triển mạnh mẽ vượt khỏi tầm một nước, châu lục. Đến nay, Việt Nam đã có 8 FTA với các nước và khu vực nhưng vẫn là thế hệ cũ. Với các FTA đang đàm phán như Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU sẽ giúp Việt Nam đa dạng hóa thị trường, cân bằng lại thị trường xuất nhập khẩu…
“Hiện 7/8 FTA của Việt Nam đều ký kết với các nước trong khu vực Đông Á và chúng ta mở cửa thị trường rất lớn với khu vực này do vị trí địa lý rất gần. Thương mại của Việt Nam cũng phụ thuộc lớn vào Đông Á với kim ngạch xuất nhập khẩu thường chiếm hơn 60%, nhất là thị trường Trung Quốc. Nếu tính riêng nhập khẩu hơn 70% và sự phụ thuộc quá mức vào một thị trường sẽ gây nhiều rủi ro khi kinh tế khu vực này gặp bất lợi” - ông Khánh nhận xét. Nếu năm 2001, Việt Nam nhập siêu từ Trung Quốc chỉ 210 triệu USD thì vào năm 2012, kim ngạch nhập siêu đã lên đến 16 tỉ USD.
Ông Lương Văn Tự, nguyên Trưởng đoàn đàm phán thương mại của Chính phủ về WTO, cho rằng nền kinh tế Việt Nam có độ mở rất lớn và đang tiếp tục mở trong các lộ trình FTA như Cộng đồng kinh tế ASEAN năm 2015, Hiệp định ASEAN+6 sau năm 2020 và lộ trình kinh tế thị trường của WTO năm 2018. Khi đó, đầu tư sẽ tăng lên nhanh, thị trường tài chính phát triển hơn bởi trong khu vực ASEAN, Việt Nam rất có lợi thế. Tuy nhiên, nhiều vấn đề đặt ra cho nhà nước xử lý vấn đề về kinh tế và thách thức cho doanh nghiệp trong quá trình mở cửa, cạnh tranh.
“Việt Nam vốn ít hàng rào kỹ thuật nhưng hành chính lại quá rườm rà nên khi tham gia các FTA mới cần giảm bớt thủ tục hành chính và xây dựng hàng rào kỹ thuật tốt để bảo vệ sản xuất trong nước. Các doanh nghiệp cần gấp rút chuẩn bị nâng cao năng lực cạnh tranh hàng hóa, dịch vụ của mình, đẩy mạnh xuất khẩu” - ông Tự nhận xét.
Theo Báo Người Lao Động Điện tử