Dự báo về thuận lợi của ngành dệt may đã dần trở thành hiện thực khi 3 tháng đầu năm ngành đã có sự tăng trưởng ấn tượng cả về sản xuất và xuất khẩu. Kết quả này tiếp tục tạo ra triển vọng cho quý sau của ngành.
Kết thúc quý I/2014, ngành dệt may chiếm vị trí thứ 2 về kim ngạch xuất khẩu trong nhóm ngành công nghiệp chế biến, chế tạo với 4,5 tỷ USD, tăng 21,9% so với cùng kỳ. 3 tháng đầu năm tình hình xuất khẩu sang các thị trường của ngành ổn định và có mức tăng trưởng khá.
Theo ông Phạm Duy Hạnh, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), các thị trường xuất khẩu truyền thống của ngành dệt may Việt Nam đều giữ được mức tăng trưởng 2 con số. Đứng đầu là thị trường EU với mức tăng 34% so với cùng kỳ, tiếp đến là thị trường Hàn Quốc tăng 26%, thị trường Nhật Bản tăng 14%, thị trường Mỹ tăng 13% với 2,1 tỷ USD giá trị.
Sự tăng trưởng mạnh mẽ về xuất khẩu của ngành dệt may đã được dự báo ngay từ đầu năm khi lượng đơn hàng về các doanh nghiệp đã có sự bứt phá. Thời điểm hiện tại, nhiều doanh nghiệp đã có đơn hàng đến hết quý III, thậm chí đến hết năm, các doanh nghiệp luôn duy trì được tối đa công suất sản xuất. Ông Ngô Kim Quy, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần May Bình Minh cho biết: Ngay từ đầu năm tình hình xuất khẩu của Bình Minh đã khá thuận lợi, công ty đã ký được hợp đồng hết tháng 6/2014.
Đáng lưu ý, trong quý I kim ngạch xuất khẩu mặt hàng xơ, sợi dệt các loại của ngành cũng đã tăng 18,7% so với cùng kỳ, đạt 540 triệu USD giá trị. Đây là kết quả của nguồn cung nguyên phụ liệu trong nước tăng đáng kể sau khi một số dự án đã đi vào hoạt động trong năm 2013, như: Dự án Nhà máy Sợi Vinatex Hồng Lĩnh, quy mô 30.000 cọc sợi; Nhà máy sợi Phú Bài 2, quy mô 15.000 cọc sợi; Nhà máy sợi Phú An, quy mô giai đoạn I 12.000 cọc sợi…
Ông Phạm Duy Hạnh cũng cho biết, 3 tháng đầu năm Vinatex đã triển khai 29 dự án, bao gồm: 6 dự án sợi, 7 dự án dệt, 11 dự án may, 1 dự án xây dựng hạ tầng, 3 dự án nhà xưởng và 1 dự án về chương trình phát triển nguyên liệu cây bông.
Đặc biệt, vừa qua liên doanh Công ty Cổ phần Đầu tư Vinatex (thuộc Tập đoàn Dệt may Việt Nam), Công ty Foshan Sanshui Jialida (Trung Quốc) và Công ty Luenthai (Hong Kong, Trung Quốc) đã làm việc với tỉnh Nam Định xúc tiến thành lập Khu công nghiệp Dệt may Rạng Đông. Mục tiêu của dự án nhằm phát triển chuỗi cung ứng dệt may từ khâu kéo sợi - dệt - nhuộm - in - hoàn tất. Dự kiến, khu này có quy mô diện tích từ 1.400-1.500ha, thu hút khoảng 200-300 nghìn lao động. Lộ trình thực hiện theo hình thức cuốn chiếu: từ tháng 2-4/2014 hoàn thành các hồ sơ, thủ tục đầu tư…; từ tháng 5-8/2014 tiến hành giải phóng mặt bằng để bắt đầu triển khai xây dựng các hạng mục hạ tầng khu công nghiệp. Đây là dự án “khủng” cả về quy mô và vốn đầu tư, hứa hẹn trở thành một trong những trung tâm dệt may lớn của cả nước.
Khép lại quý I, ngành dệt may tiếp tục chắc chân trong top ngành hàng có kim ngạch xuất khẩu cao nhất. Thời điểm hiện tại, tuy chưa thể chắc chắn được điều gì về mục tiêu của cả năm nhưng mục tiêu ngắn hạn quý II/2014 ngành dệt may tiếp tục được dự báo sẽ có nhiều triển vọng khả quan. Ông Phạm Duy Hạnh nhận định: “Theo dự báo chung sản xuất kinh doanh của ngành dệt may trong quý II/2014 cơ bản là tốt”.
Đánh giá cao những kết quả đã đạt được của ngành dệt may cũng như của Tập đoàn Dệt may Việt Nam, Thứ trưởng Lê Dương Quang cũng đề nghị: Dệt may là một trong những ngành sẽ được hưởng nhiều ưu thế khi các hiệp định thương mại, đặc biệt là Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương được ký kết, do đó ngành dệt may cần phải nỗ lực hơn nữa, chuẩn bị mọi điều kiện cần thiết, chú ý tiến độ các dự án đầu tư để sẵn sàng đón nhận cơ hội./.
Thứ trưởng Lê Dương Quang: Những tháng đầu năm ngành dệt may đã rất nỗ lực, kết quả sản xuất, kinh doanh của ngành khá tốt, nhất là trong vấn đề đầu tư.
Theo VEN