|
Với chuyển biến mạnh xuất khẩu của mặt hàng gốm sứ Việt Nam, nhiều chuyên gia cho rằng, với mẫu mã đẹp, chất lượng tốt, sản phẩm gỗm mỹ nghệ của Việt Nam đang được thị trường quốc tế công nhận.
Số liệu của Tổng Cục Hải quan Việt Nam cho thấy, 2 tháng đầu năm 2014, xuất khẩu hàng gốm sứ ước đạt 77,6 triệu USD, tăng 9,52% so với cùng kỳ năm 2013. Nhật Bản vẫn là thị trường dẫn đầu về nhu cầu gốm mỹ nghệ với trị giá xuất khẩu 13,4 triệu USD, tăng 14,33 % so với cùng kỳ năm 2013, chiếm 17,3% tổng kim ngạch xuất khẩu; tiếp theo là thị trường Hoa Kỳ 12,6 triệu USSD, tăng 22,81%. Đáng lưu ý, thị trường đạt tốc độ tăng trưởng cao nhất là Italia đạt 187% với giá trị xuất khẩu 1,2 triệu USD
Hai tháng đầu năm, xuất khẩu mặt hàng gốm sứ có thêm các thị trường mới như Thụy Điển, Singapore, Hongkong, Ấn Độ, Lào và Philippin với kim ngạch đạt lần lượt 645,4 nghìn USD; 614 nghìn USD; 243,1 nghìn USD; 130,2 nghìn USD; 993,5 nghìn USD và Philippin 1,7 triệu USD.
Theo nhận định của các chuyên gia, kinh tế thế giới đang phục hồi, nhu cầu mua sắm, xây dựng tăng là cơ hội cho xuất khẩu gốm sứ. Các thị trường nhập khẩu gốm sứ truyền thống đều tăng sản lượng từ cuối năm 2013 trong khi nhu cầu tại các thị trường mới nổi cũng là rất hứa hẹn. Nhiều doanh nghiệp gốm sứ cũng nhận được nhiều đơn đặt hàng từ các thị trường mới như hàng gốm sứ dùng trong xây dựng.
Đặc biệt, dòng gốm đen của Biên Hòa đang được người tiêu dùng Hoa Kỳ ưa chuộng khi hàng làm ra không đủ số lượng để xuất khẩu. Do vậy, để đáp ứng nhu cầu tăng của thị trường thế giới, các doanh nghiệp cần mạnh dạn đầu tư thêm nhà xướng, mở rộng quy mô sản xuất. Bên cạnh việc giữ thị trường truyền thống và nâng giá trị, sản lượng xuất khẩu, các doanh nghiệp sản xuất gốm cũng cần chọn ra các sản phẩm đặc sắc để giới thiệu ở những nước có nhiều tiềm năng thuộc châu Âu, châu Á.
Theo Báo Công Thương
|