|
Nhập siêu thực tế trong tháng 9/2011 đột ngột vượt qua mốc 1,5 tỷ USD, từ mức chưa đến 400 triệu USD của tháng trước đó, theo số liệu vừa được Tổng cục Hải quan công bố.
Kể từ mức nhập siêu “lịch sử” xấp xỉ 2 tỷ USD vào tháng 12/2009 đến nay, đây là tháng có cán cân thương mại “lệch pha” nhiều nhất. Kết quả này cũng vượt xa so với ước tính của các cơ quan chức năng, trước đó được cho là chỉ vào khoảng 1 tỷ USD.
Nguyên do là bởi sự sụt giảm mạnh của kim ngạch xuất khẩu, trong khi nhập khẩu thấp hơn không đáng kể.
Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 9 đạt trên 7,34 tỷ USD, giảm 14,1% so với tháng trước, trong khi đó nhập khẩu đạt trên 9,44 tỷ USD và giảm tương ứng có 2,1%.
Hàng loạt mặt hàng xuất khẩu giảm kim ngạch so với tháng trước, đáng chú ý là nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như thủy sản, gạo, dầu thô, than đá… Phía nhập khẩu thì có sự góp mặt của vải, sắt thép, máy móc thiết bị…
Tuy nhiên, diễn biến đáng chú ý nhất là kim ngạch nhập khẩu vàng gần đây tăng rất mạnh, theo sau chủ trương cấp quota nhập khẩu cho một số doanh nghiệp thực hiện bình ổn giá của Ngân hàng Nhà nước.
Thể hiện trên số liệu nhóm đá quý, kim loại quý và sản phẩm, kim ngạch tháng 9 đã tăng gần 56% so với tháng trước đó, đạt xấp xỉ 770 triệu USD. Cho nên, gần một nửa mức nhập siêu trong tháng có đóng góp của nhóm này.
Vàng cũng là nhân tố tạo nên sự “bấn loạn” trong diễn biến kim ngạch xuất nhập khẩu mấy tháng gần đây, đi cùng với sự đảo chiều về chênh lệch giá trong nước và quốc tế, từ thấp hơn nhiều chuyển sang cao hơn rất lớn.
Theo dõi trên biểu đồ kim ngạch xuất, nhập khẩu nhóm đá quý, kim loại quý và sản phẩm các tháng trong năm 2011, giai đoạn từ cuối quý 2 đến nay, nhóm này có sự đột biến mạnh với hai tháng xuất khẩu được đẩy cao, sau đó là 2 tháng nhập khẩu “thế chân”.
Đỉnh điểm xuất siêu của nhóm đá quý, kim loại quý và sản phẩm rơi vào tháng 7, lên đến gần 1,1 tỷ USD, nhưng ngay lập tức lại đổi chiều với nhập siêu lớn vào tháng 9 tới gần 740 triệu USD. Đồng hành với diễn biến này là tình hình xuất, nhập siêu của cả nước cũng biến động dữ dội. Tương ứng là việc đột ngột xuất siêu hơn 1,1 tỷ USD vào tháng 7, rồi lại nhập siêu hơn 1,5 tỷ USD trong tháng này như đã đề cập.
Dù là thay đổi nhanh chóng, nhưng động thái trên thị trường vàng vật chất vừa qua đã được nhiều chuyên gia cảnh báo từ rất sớm.
Tuy vậy, cho đến thời điểm này, sự liên thông về giá vàng giữa thị trường trong nước và thế giới vẫn chưa được tái lập, cũng cho thấy khả năng nhóm đá quý, kim loại quý và sản phẩm còn có thể “khuynh đảo” cán cân thương mại quốc tế của Việt Nam trong thời gian tới.
Theo VnEconomy
|