2011 là một năm sóng gió về kinh tế đối với
Việt Nam, tăng trưởng tín dụng chỉ hơn 9%, thiếu hụt tiền đồng, 50.000 doanh
nghiệp phá sản. Song 6 tháng cuối năm lạm phát cộng dồn chỉ còn 3%, dự báo năm
tới dưới 8,5%.
Dưới đây là bài viết của ông Đặng Thành Tâm,
Chủ tịch Tập đoàn đầu tư Sài Gòn (Saigon Invest Group) gửi VnExpress.net, nhìn
lại tình hình kinh tế 2011 và triển vọng sáng sủa hơn trong năm tới.
Năm 2011 là một năm sóng gió về kinh tế đối với
đất nước ta. Chính sách thắt chặt tiền tệ quá lớn vì lạm phát 6 tháng đầu năm
đã hơn 15%. Đầu năm Ngân hàng Nhà nước công bố tăng trưởng tín dụng 20% cho nền
kinh tế, thế mà 11 tháng qua tổng dư nợ tín dụng gia tăng chưa đến một nửa. Lạm
phát vẫn cao.
Lạm phát năm 2011 cơ bản là do trượt giá tiền
Việt dẫn đến hàng nhập tăng giá, kéo theo chi phí tăng. Đồng thời, ảnh hưởng
gói kích cầu trước đó ở Việt Nam và thế giới khiến giá tăng. Cả 2 yếu tố này cộng
dồn như thủy triều lên vào giữa mưa rào nên lạm phát cao là tất yếu, chứ không
phải chỉ vì mỗi nguyên nhân tiền tệ.
Năm 2009, tổng tăng trưởng tín dụng hơn 40%;
năm 2010 hơn 30%, thì thấy 11 tháng qua tăng trưởng tín dụng có hơn 9% thì quá
nhỏ khiến cho cả nền kinh tế khá khó khăn. Sự thiếu hụt đồng tiền dẫn đến lãi
suất quá cao, cá biệt đã lên đến 25-30% một năm, vượt xa khả năng kinh doanh của
doanh nghiệp. Tình hình này khiến kinh doanh đình trệ, quá nhiều doanh nghiệp lỗ,
công việc giảm sụt, ảnh hưởng đến tất cả người dân Việt Nam.
Nhiều chính sách quyết liệt của Chính phủ như
cắt giảm đầu tư công, hiệu quả hóa đầu tư vốn nhà nước; xuất siêu từ 40% tổng
kim ngạch xuất khẩu năm 2008 tới 2011 chỉ còn 10,2%, nên kết quả dư ngoại hối
và giúp ổn định tỷ giá, đồng thời triệt tiêu yếu tố tăng giá nhập hàng hóa. Từ
đó 6 tháng cuối năm lạm phát cộng dồn chỉ còn 3%. Đây là thắng lợi to lớn mà quốc
tế không tin Việt Nam có thể làm nổi, chứng minh lạm phát cơ bản đã được kiểm
soát.
Như vậy, sự điều hành khá tốt của Chính phủ
đã kiểm soát được lạm phát và tạo thêm niềm tin từ người dân. Vậy thì việc
điều hành chính sách tiền tệ sắp tới thế nào, các chính sách liên quan ra sao,
và dự báo năm 2012 thế nào?
Hiện nay cả nước có khoảng một triệu doanh
nghiệp, nếu tính các cơ sở sản xuất nhỏ và siêu nhỏ nữa thì có đến vài triệu. Đến
nay đã có 50.000 doanh nghiệp phá sản và khoảng 50.000 doanh nghiệp nữa sẽ phá
sản trong thời gian tới nếu không có những chính sách cụ thể để hỗ trợ.
Theo thống kê của các hiệp hội doanh nghiệp,
trên 50% công ty lỗ trong năm 2011 và ảnh hưởng khá lớn đến đời sống người lao
động. Khá nhiều đơn vị băn khoăn trong việc lựa chọn lĩnh vực ngành nghề để đầu
tư trong thời gian tới. Ví dụ, doanh nghiệp bất động sản và chứng khoán trước
đây không được cảnh báo, đùng một cái năm 2011 siết tín dụng không cho họ vay vốn,
trên 90% lỗ.
Thời gian tới sẽ có thể có thêm những lĩnh vực
không khuyến khích và Chính phủ không cho vay. Nếu biết được định hướng của
Chính phủ thì chắc chắn sẽ giảm thiểu được thiệt hại cho doanh nghiệp cũng như
cho nền kinh tế. Và khi doanh nghiệp đầu tư đúng theo định hướng của Chính phủ
thì cũng sẽ có những đóng góp hữu ích cho nền kinh tế.
Nhiều người cho rằng, đã là doanh nghiệp thì
phải biết tự mình quyết định. Xin thưa, trước đây nhà nước có những chính sách
rất cụ thể khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào đâu, ngành nghề nào, địa bàn
nào thì được ưu đãi, hỗ trợ; nhưng gần đây không còn những chính sách này nữa.
Các doanh nghiệp tự mày mò.
Với khó khăn của nền kinh tế như hiện tại nhiều
doanh nghiệp lỗ lớn, thì việc hỏi ý kiến Thủ tướng là điều nên làm. Ngay trong
các phiên chất vấn ở Quốc hội vừa qua, rất nhiều đại biểu không phải doanh nhân
chất vấn làm sao hỗ trợ để doanh nghiệp hoạt động tốt hơn, để tạo công ăn việc
làm, giảm lãi suất cho vay về 15% để doanh nghiệp bớt khổ... nhưng cũng chưa có
câu trả lời thỏa đáng.
Chủ trương của Đảng, Nhà nước, Chính phủ tập
trung vấn đề tam nông, vậy cần có chính sách cụ thể để thu hút doanh nghiệp đầu
tư vào nông nghiệp, tăng giá trị gia tăng và nâng cao năng suất - chất lượng,
áp dụng công nghệ cao vào nông nghiệp... Hễ 1 USD xuất khẩu thì 99% là giá trị
gia tăng trong nước, tránh đầu tư tràn lan, dàn trải sẽ lãng phí và làm chậm
phát triển đất nước.
Trong các phiên góp ý về những chỉ tiêu kinh
tế xã hội 5 năm tới và năm 2012, hầu hết đại biểu Quốc hội đều góp ý cần tập
trung chống lạm phát và có thể tăng trưởng thấp hơn 6% như đề xuất của Chính phủ
cũng được. Tôi cho rằng nếu tăng trưởng thấp hơn 6% thì sẽ có vài triệu người mất
việc làm, nên cần tăng chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế đến 7%.
Năm nay xuất khẩu tăng mạnh, kết dư nợ ngoại
hối hơn 10 tỷ USD, triệt tiêu yếu tố trượt giá đồng tiền Việt (nguyên nhân lớn
làm tăng lạm phát). Ảnh hưởng gói kích cầu ở Việt Nam và thế giới năm 2012 sẽ
không còn nữa, nên yếu tố tăng giá cao là khó, dẫn đến lạm phát không thể cao
được. Ngoài ra Ngân hàng Thế giới (IMF) dự báo Việt Nam tăng trưởng năm 2012
trên 7%, và lạm phát dưới 8,5%.
Với những dấu hiệu này, tôi tuyệt đối tin tưởng
là năm 2012 kinh tế Việt Nam sẽ tốt hơn năm 2011.
Theo VnExpress