Bên
cạnh một số doanh nghiệp bội thu, không ít doanh nghiệp đã thất vọng khi tổng kết
mùa làm ăn vào dịp cuối năm vừa qua. Sau tết, nhiều doanh nghiệp phải lo tìm đầu
ra cho lượng hàng tồn...
Đánh
giá về mùa kinh doanh tết vừa qua, Bộ Công thương cho rằng không khí mua bán
trên thị trường kém sôi động hơn mọi năm, một phần do kinh tế khó khăn, một phần
do xu hướng mua sắm tết đã có sự thay đổi.
Tiêu
thụ giảm
Tổng
giám đốc một công ty nhựa chuyên sản xuất các mặt hàng khăn trải bàn cho biết
hiện tồn kho tại công ty lên tới hơn 30% tổng lượng hàng đã sản xuất trong dịp
tết vừa qua. Ông thừa nhận những sản phẩm này khó có thể bán trong năm vì chỉ sản
xuất để bán dịp tết nên khả năng tồn kho... lâu dài là điều khó tránh. Một số
doanh nghiệp sản xuất các loại mặt hàng nhựa gia dụng khác như thau, chậu, xô,
khay, chén đĩa... cũng lâm vào tình trạng tương tự, khi nhu cầu sắm sửa những mặt
hàng này trong dịp tết đã giảm mạnh so với cùng thời điểm các năm trước.
Ông
Hồ Đức Lam, phó chủ tịch Hiệp hội Nhựa VN (VPA), cho biết dù chưa có thống kê
chính xác lượng hàng nhựa gia dụng tồn kho tại các doanh nghiệp, nhưng theo ước
tính sơ bộ, dịp tết vừa qua các thành viên của VPA chỉ tiêu thụ được khoảng 2/3
lượng hàng đã sản xuất. “Với lượng hàng còn tồn, dù sản phẩm không bị hư hỏng
và có thể đưa vào kinh doanh sau tết, nhưng chắc chắn doanh nghiệp sẽ gặp không
ít khó khăn do tồn đọng vốn” - ông Lam nhận xét.
Ngay
cả các mặt hàng chủ lực trong dịp tết như bánh hộp, kẹo các loại cũng gặp không
ít khó khăn trong khâu tiêu thụ. Ông Phan Văn Thiện, phó tổng giám đốc Bibica,
cho biết dù vẫn đạt kế hoạch nhưng nhìn chung mùa tết năm nay làm ăn khó hơn.
Phó giám đốc một công ty bánh kẹo tại TP.HCM cũng thừa nhận lượng hàng tồn kho
của mặt hàng bánh kẹo tăng khoảng 5% so với năm ngoái. Bản thân doanh nghiệp
này đã cho trùm mềm một dây chuyền sản xuất bánh ngọt trị giá hơn 1 triệu USD.
“Càng sản xuất càng lỗ do tiêu thụ yếu, nếu tăng giá nữa thì không ai mua,
trong khi các chi phí để sản xuất không ngừng tăng” - ông này nói.
Sản
xuất ít vẫn tồn kho
Theo
ông Nguyễn Hữu Toàn, phó tổng giám đốc Công ty cổ phần may Sài Gòn 2, sức mua của
mùa tết vừa qua đã giảm ít nhất 30% so với cùng thời điểm năm trước. “Dù chúng
tôi đã chủ động cắt giảm sản lượng, không còn chuẩn bị quá nhiều hàng hóa như
những năm trước, nhưng với mãi lực quá thấp như tết vừa rồi thì lượng hàng bán
được cũng không đáng kể” - ông Toàn nói.
Không
ít doanh nghiệp kinh doanh hàng may mặc tết cũng rơi vào trường hợp như Công ty
Sài Gòn 2. Giới kinh doanh hàng may mặc cho hay số doanh nghiệp “thắng” được
trong mùa tết năm nay không nhiều.
Thương
hiệu của doanh nghiệp C vốn đã giảm giá đến 50% những ngày trước tết, tổ chức
bán luôn trong những ngày tết mà vẫn chưa giải phóng được hết lượng hàng tồn xấp
xỉ mấy chục ngàn sản phẩm. Thương hiệu của doanh nghiệp X hiện đang rối bời với
năm bộ sưu tập vừa tung ra trong dịp tết với lượng hàng sản xuất lên đến gần
100.000 sản phẩm, nhưng cũng chỉ bán được gần một nửa do thiết kế không “hút”
người tiêu dùng...
Tính
toán lại kế hoạch kinh doanh
Nhiều
doanh nghiệp cho rằng do Tết Nguyên đán năm nay đến sớm, cận với Tết Dương lịch
nên nhà kinh doanh chỉ bán được một mùa, thay vì hai mùa như những năm trước. Sức
mua của người dân cũng tăng chậm và chỉ thật sự tăng đột biến vào các ngày cao
điểm cận tết, không đủ thời gian để doanh nghiệp đẩy hàng đi một cách suôn sẻ.
Theo ông Hồ Đức Lam, từ sức mua thực tế của tết năm nay, chắc chắn các doanh
nghiệp sẽ có bước tính toán cụ thể hơn cho những tháng kinh doanh còn lại khi
xu hướng mua sắm của người tiêu dùng đã có nhiều thay đổi rất lớn so với các
năm trước.
Cùng
quan điểm, bà Nguyễn Thị Điền, giám đốc Công ty TNHH may An Phước, cho rằng
trong bối cảnh kinh tế khó khăn hiện nay, người tiêu dùng luôn cân nhắc thật kỹ
lưỡng trong việc chi tiêu, vì vậy nhất thiết doanh nghiệp cần phải định vị lại
nhu cầu của người tiêu dùng. Theo bà Điền, doanh nghiệp nên có kế hoạch phân bổ
sản phẩm thích hợp cho từng vùng, miền, tránh tình trạng “nơi cần không có, nơi
có không cần”.
Ông
Nguyễn Hữu Toàn cũng cho biết sẽ xem xét lại cách thức tổ chức sản xuất hàng
hóa cho mùa tết tới theo hướng chuyển sang sản xuất để bán sỉ, thay vì bán lẻ
như hiện nay, nhằm tránh rơi vào tình thế bị động với nguy cơ tồn kho tăng cao
“khi sức mua thị trường đã ngày một trở nên khó đoán đối với các doanh nghiệp sản
xuất”.
Một
bài học được rút ra sau mùa tết năm nay, theo ông Phan Văn Thiện, là khâu định
giá cho từng phân khúc sản phẩm cần tính toán cẩn thận. Trong mùa tết qua, có
doanh nghiệp đầu tư bao bì sản phẩm tốt nhưng vì định giá cao nên đành “ôm”
hàng tồn số lượng lớn. “Thị trường khó khăn chung nhưng nhu cầu luôn có, từ mùa
tết vừa qua doanh nghiệp cho rằng cần phải đầu tư kỹ công tác nghiên cứu thị
trường để nắm bắt thị hiếu của người tiêu dùng, cung ứng đúng cái thị trường cần”
- ông Thiện nói.
VŨ
NGHI - NHƯ BÌNH
Vật
liệu xây dựng, xe máy cũng bán chậm
Theo
báo cáo tình hình kinh tế - xã hội tháng 1-2012 của Tổng cục Thống kê, chỉ số tồn
kho tại thời điểm 1-2-2012 của nhiều mặt hàng đã giảm mạnh, như tồn kho sản xuất
xe có động cơ giảm 17,1%, tồn kho sản xuất đồ uống không cồn giảm 20,8%... Tuy
nhiên, nhiều ngành vẫn có chỉ số tồn kho tăng là sản xuất ximăng, vôi, vữa tăng
72,7%; sản xuất môtô, xe máy tăng 31,4%...
C.V.K.
Theo TTO