|
Theo Ban chỉ đạo Sản xuất và Tiêu thụ cá tra Đồng bằng sông Cửu Long, các tỉnh trong vùng vừa xuất 26.000 tấn cá tra, nâng tổng lượng đã xuất từ đầu năm đến nay được 287.000 tấn, trị giá 862 triệu USD, tương đương cùng kỳ năm 2011.
Thị trường tiêu thụ chính là các nước EU, ASEAN, Mỹ. Trong đó, kim ngạch tại thị trường Mỹ, Trung Quốc Hồng Kông tăng từ 39-53% so cùng kỳ.
Đến nay, vùng Đồng bằng sông Cửu Long đã đưa gần 3.900 ha mặt nước vào nuôi cá tra và đã thu hoạch trên diện tích gần 1.200 ha với sản lượng đạt 354.000 tấn cá thương phẩm.
Năm nay, việc nuôi cá tra gặp khó khăn. Giá cá tra bán ra liên tục giảm, hiện chỉ còn từ 19.500-20.000 đồng/ kg. Trong khi đó, giá thức ăn liên tục tăng dẫn đến giá thành mỗi kg cá lên từ 23.000-25.000 đồng.
Tính ra người nuôi không có lãi hoặc bị lỗ từ 2-5 triệu đồng mỗi ha. Theo thống kê chưa đầy đủ, diện tích mặt nước nuôi cá tra 6 tháng đầu năm 2012 giảm khoảng 20% so cùng kỳ năm 2011. Nhiều nhà máy chế biến cá tra thiếu nguyên liệu, hiện chỉ hoạt động cầm chừng.
Tình trạng cung - cầu mất cân đối, thiếu thông tin minh bạch về thị trường, chi phí sản xuất tăng, con giống hao hụt quá cao (30-40%), chi phí thức ăn tăng mạnh, lãi suất ngân hàng cao, cho vay mới bị thắt chặt… khiến cho lợi thế cạnh tranh của con cá tra trên thị trường quốc tế giảm.
So với năm 2011, giá cá tra tiêu thụ trên thị trường quốc tế hiện đã giảm từ 0,1-0,2USD/kg.
Nhằm khắc phục tình trạng trên, trong 6 tháng cuối năm 2012, các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long tháo gỡ khó khăn về vốn giúp người nuôi tiếp tục đầu tư vụ mới; quản lý tốt chất lượng đầu vào thông qua kiểm tra, giám sát, chú ý kiểm tra các khâu sản xuất thức ăn, con giống phải bảo đảm chất lượng, ngăn chặn ô nhiễm do chất xử lý môi trườ̀ng, phòng bệnh cho cá nuôi; tăng cường kiểm tra việc sản xuất giống, vùng nuôi, việc chế biến.
Các tỉnh duy trì thị trường đã có, mở rộng thị trường mới và hình thức xuất khẩu tại Đông Âu, các nước SNG, ven Địa Trung Hải; xây dựng các mô hình thí điểm thực hiện quy phạm nuôi trồng thủy sản tốt tại Việt Nam (VietGAP) đối với cá tra; áp dụng các qui trình tiên tiến như Global GAP, SQF, HACCP trong nuôi và chế biến; xây dựng và hoàn thiện các mô hình quản lý nuôi cá tra cộng đồng.
Theo Vietnam+
|