Thay vì mua nguyên chiếc như trước đây, Vietnam Airlines đang tích cực hơn với việc đi thuê, vốn được xem là phương án ưu tiên của các hãng hàng không tư nhân, quy mô nhỏ.
Liên tiếp trong khoảng thời gian cuối tháng 8, đầu tháng 9, hai hãng hàng không có thị phần lớn nhất Việt Nam là Vietnam Airlines và Jetstar Pacific "đua" nhau nhận tàu bay mới.
Cụ thể, từ 22/8 đến 5/9, Công ty cho thuê máy bay VALC đã chuyển giao cho Vietnam Airlines 2 chiếc Airbus A321-200. Hai chiếc này được hãng dự kiến khai thác các đường bay tầm trung và trong khu vực.
Vào đầu tháng 5, hãng cho thuê máy bay Air Lease Corp của Mỹ cũng cho biết đã đặt mua 8 chiếc máy Boeing 787-9 Dreamliner để cho hãng hàng không Vietnam Airlines thuê lại. Theo hợp đồng này, máy bay sẽ được giao vào khoảng năm 2017 và 2018.
Cuối tháng 8, Jetstar Pacific đã thuê một chiếc Airbus 320 bổ sung vào đội bay của hãng, dự kiến một chiếc nữa của Jetstar Pacific cũng sẽ được tiếp nhận trong tháng 9. Đến cuối năm, hãng giá rẻ này sẽ thuê thêm 2 chiếc.
Đại diện Jetstar Pacific cho biết, năm ngoái hãng không thuê chiếc nào, năm nay con số này lên đến 4 chiếc là nằm trong kế hoạch đồng nhất dòng máy bay Airbus 320.
Ông Lê Hồng Hà, Tổng giám đốc Jetstar Pacific cho rằng, việc khai thác toàn bộ đội bay Airbus A320 cùng chung với dòng máy bay của Jetstar toàn cầu sẽ giúp công ty tiết kiệm chi phí khai thác, chi phí bảo dưỡng kỹ thuật và qua đó, cung cấp ngày càng nhiều vé máy bay giá rẻ hơn đến khách hàng.
Trao đổi với VnExpress.net, ông Desmond Lin - Giám đốc Phát triển kinh Doanh VietJet Air thì khẳng định, hãng có kế hoạch đón thêm tàu bay, có thể một vài chiếc, thông tin chi tiết sẽ công bố sau.
"Sử dụng đội tàu bay cùng chủng loại sẽ đảm bảo tính ổn định của lịch bay, VietJet Air dự định mở rộng mạng đường bay đến các thành phố lớn và các thành phố du lịch trong nước, đồng thời chuẩn bị cho đường bay quốc tế", ông Desmond Lin nói.
Đánh giá về việc các hãng hàng không nội thời gian gần đây đồng loạt đẩy mạnh việc thuê máy bay để phát triển thị trường, một chuyên gia hàng không nhận định mặc dù thị trường hàng không nội đang tăng trưởng không cao nhưng được dự báo là thị trường nhiều tiềm năng phát triển.
"Các hãng giá rẻ thuê thêm tàu bay, cũng có thông tin Air Mekong sau một thời gian khai thác đường bay ngắn để tránh cạnh tranh với Vietnam Airlines thì nay cũng đang tính đến phương án thuê máy bay A320 để khai thác đường dài. Tất cả điều này cho thấy thị trường bay đang sôi động trở lại", vị chuyên gia này phân tích.
Lãnh đạo một hãng hàng không có thị phần lớn tại Việt Nam cho biết, việc mua với thuê máy bay là tùy vào đánh giá tài chính của hãng đó, việc thuê máy bay chỉ trả tiền hàng tháng trong khi mua phải trả tiền một lần.
"Chi phí thuê còn tùy thuộc vào máy bay đó còn mới, xài 3 năm hay 6 năm... Cũng rất khó có thể nói khủng hoảng kinh tế khiến các hãng có xu hướng thuê nhiều hơn mua mà khi hãng hàng không quyết định thuê máy bay là vì nó phù hợp với đánh giá tài chính của họ", lãnh đạo này chia sẻ.
Theo dự đoán của Airbus, thị trường hàng không toàn cầu cần hơn 28.000 máy bay trong vòng 20 năm tới với trị giá gần 4.000 tỷ USD. Riêng khu vực Châu Á - Thái Bình Dương sẽ chiếm khoảng 35% tổng số đơn hàng máy bay mới. |
Theo VnExpress