Theo thông báo mới nhất của Tổng công ty cảng Sài Gòn, từ 15/7 phí nâng container giao khách hàng tại cảng Cát Lái tăng theo thời gian lưu bãi đối với container hàng khô và lạnh.
Cụ thể, phí nâng container từ bãi lên xe giao hàng từ một đến 6 ngày đối với hàng khô và đông lạnh loại 20 feet giá 275.000 đồng, 40 feet lên 485.000 đồng và 45 feet lên 570.000 đồng. Đặc biệt chi phí này sẽ càng tăng khi thời gian lưu kho bãi kéo dài.
Chẳng hạn như container hàng khô thông thường, 6 ngày đầu sẽ là 275.000 đồng một ngày, từ ngày thứ 7 đến 15 sẽ tăng lên 550.000 đồng, sang ngày thứ 16 là 710.000 đồng cho container 20 feet.
Cũng từ ngày 15/7, cảng Cát Lái thu phí đối với khách đăng ký lấy trước số container rỗng tại cảng Cát Lái để phục vụ khai báo hải quan điện tử, Cảng thông báo sẽ tiến hành nâng hạ, đảo chuyển container được cấp ra khu vực giao nhận riêng. Từ đó, trong hai ngày từ thời điểm khách đăng ký cấp trước số container đến lúc tới lấy, Cảng sẽ thu phí mức một là 420.000 đồng một container 20 feet và 620.000 đồng một container 40 feet. Mức 2 và mức 3 tính thời gian từ 3 đến 7 ngày áp dụng mức thu tăng từ 50 đến 100% so với mức một.
|
Doanh nghiệp kêu khó vì các loại phí tăng cao. Ảnh: ĐT. |
Phó tổng giám đốc Tổng công ty Tân cảng Sài Gòn Ngô Trọng Phàn cho hay, thời gian vừa qua do nhiều nguyên nhân khách quan khiến lượng hàng tồn kho tại cảng Cát Lái tăng cao, ảnh hưởng tới sản xuất kinh doanh chung của công ty cũng như hãng tàu và khách hàng, nên để đảm bảo năng suất giải phóng tàu và chất lượng dịch vụ cảng, Cát Lái phải tiến hành tăng phí.
Tuy nhiên, phía doanh nghiệp xuất nhập khẩu cho rằng việc tăng phí này thiếu hợp lý, doanh nghiệp sẽ ngày càng khó khăn hơn khi các loại phí đua nhau tăng.
Trao đổi với VnExpress.net, ông Nguyễn Văn Kha, đại diện công ty chuyên về may mặc ở Đồng Nai cho hay, từ đầu năm đến nay công ty chịu quá nhiều loại phí từ vận chuyển cho tới bến bãi. Nếu tính tổng chi phí đầu vào so với 2013, năm nay các loại phí này tăng 20-30% so với cùng kỳ, khiến lợi nhuận của doanh nghiệp giảm mạnh.
Ông đưa ra dẫn chứng, chi phí từ bốc, vận chuyển cho tới kho bãi của một container 20 feet trước đây 5-6 triệu đồng, nhưng nay chi phí này đắt thêm 2 triệu lên 7-8 triệu. Trong khi đó, sức tiêu thụ trên thị trường giảm khiến doanh nghiệp lao đao.
Ông Kha còn cho biết thêm, việc Tổng công ty cảng Sài Gòn tăng phí để giảm ùn ứ tại bến bãi chỉ mới là giải pháp tạm thời, vì hiện nay việc siết chặt trọng tải, cước trọng tải khiến cho tiến độ nhập hàng của doanh nghiệp chậm lại. Nếu trước đây công ty vận chuyển hàng ra miền Bắc hết 3 ngày thì nay lượng hàng giảm, mà thời gian lại tăng thêm 2 ngày vì liên tục bị kiểm tra trọng tải khiến kẹt xe dây chuyền, nên các chi phí cũng từ đó đẩy lên. Hàng về cảng chậm, bến bãi lại không đủ mà phí lưu kho tăng cao, trong khi đó các bến khác như Cảng container quốc tế Việt Nam (VICT) lại nhỏ mà thủ tục hải quan rắc rối nên doanh nghiệp đổ dồn về Cát Lái khiến ùn ứ. Hàng càng khó lưu thông, tình trạng lưu kho bãi sẽ tăng cao, lúc đó doanh nghiệp phải gánh chịu chồng chất các loại phí.
Cũng đang hoang mang, đại diện công ty xuất nhập khẩu nông sản tại TP HCM cho hay, công ty chưa lo xong chuyện tiết kiệm chi phí vận chuyển, nay lại tiếp tục giải quyết vấn đề tăng phí tại cảng. Nếu cảng tiếp tục áp dụng tăng phí thì chi phí đầu vào của doanh nghiệp có thể tăng gấp đôi, trong khi đó mặt hàng nông sản hiện nay gặp nhiều khó khăn về sức tiêu thụ.
Mặt khác, khâu kiểm định hàng hóa trước khi thông quan còn chậm chạp nên việc lưu kho là chuyện diễn ra thường ngày của hầu hết các doanh nghiệp, nguy cơ gánh thêm phí lưu kho là khó tránh khỏi.
Không chỉ dệt may, nông sản mà ngay cả doanh nghiệp mỹ phẩm cũng đang than thở khi mà loại hàng hóa này bị kiểm tra rất kỹ. Đơn vị nhập khẩu những mặt hàng này phải chờ có đầy đủ giấy tờ kiểm định của các cơ quan chức năng mới được thông quan, nên thời gian lưu kho sẽ lâu hơn và chi phí lưu kho sẽ tốn kém hơn nhiều đối với các doanh nghiệp khác.
Đề xuất giải pháp khắc phục, đa số các doanh nghiệp đều cho rằng, Tổng công ty Cảng Sài Gòn nên có sự xem xét và điều chỉnh phù hợp hơn. Đồng thời, các cơ quan quản lý cần phối hợp với nhau để điều chỉnh cũng như siết chặt từ phí vận chuyển đến công tác quản lý. Theo ông Kha, cơ quan quản lý cần phát triển và đầu tư mở rộng cảng hơn nữa để không chỉ doanh nghiệp mà đơn vị tiếp nhận hàng cũng dễ dàng hơn. Mặt khác, các thủ tục hải quan ở cảng nhỏ nên nhanh gọn hơn.
Trước đó hơn 3 tháng, Bộ Giao thông Vận tải phát động đợt tổng kiểm tra tải trọng trên quốc lộ buộc các doanh nghiệp vận tải phải giảm lượng hàng chở trên mỗi xe. Cũng từ thời điểm ấy cước phí vận tải tăng mạnh, có nơi đội giá gấp đôi so với bình thường khiến các doanh nghiệp xuất nhập khẩu liên tục kêu khổ về chi phí đầu vào. |