Phát biểu khai mạc tọa đàm, Thứ trưởng Lê Đình Thọ khẳng định ngành Logistic có vai trò then chốt trong nền kinh tế của mỗi quốc gia. Trong quá trình tái cơ cấu ngành GTVT, phát triển dịch vụ Logistic là một trong những mục tiêu quan trọng. Bộ GTVT tổ chức buổi tọa đàm để các doanh nghiệp đề xuất những vấn đề về cơ chế, chính sách, những khó khăn vướng mắc trong phát triển Logistic ở Việt Nam hiện nay, từ đó, xây dựng được hành lang pháp lý vững chắc và môi trường thuận lợi để phát triển dịch vụ Logistic trong thời gian tới.
Ông Nguyễn Công Bằng, Phó Vụ trưởng Vụ Vận tải trình bày báo cáo
Tại buổi tọa đàm, Phó Vụ trưởng Vụ Vận tải Nguyễn Công Bằng đã trình bày tóm tắt báo cáo hoạt động kinh doanh Logistic ở Việt Nam. Báo cáo nêu rõ những căn cứ pháp lý để thực hiện hoạt động kinh doanh dịch vụ Logistic ở Việt Nam đồng thời trình bày những nét cơ bản về thực trạng Logistic ở nước ta thời gian qua. Theo đó, hiện nay, chưa có thống kê một cách chính xác Việt Nam có bao nhiêu doanh nghiệp logistics. Tuy nhiên, đã có rất nhiều doanh nghiệp có đăng ký kinh doanh loại hình dịch vụ vận tải, kho bãi, giao nhận,… là những dịch vụ trong chuỗi cung ứng. Theo nhiều tài liệu, hiện nay cả nước có khoảng 1.200 doanh nghiệp và 25 trên 30 tập đoàn giao nhận hàng đầu thế giới tham gia đầu tư và kinh doanh dưới nhiều hình thức.
Các dịch vụ logistics chủ yếu bao gồm: Dịch vụ bốc xếp hàng hoá, bao gồm cả hoạt động bốc xếp container; Dịch vụ kho bãi và lưu giữ hàng hóa, bao gồm cả hoạt động kinh doanh kho bãi container và kho xử lý nguyên liệu, thiết bị; Dịch vụ đại lý vận tải; Hoạt động đại lý làm thủ tục hải quan; Dịch vụ bổ trợ khác, bao gồm cả hoạt động tiếp nhận, lưu kho và quản lý thông tin liên quan đến vận chuyển và lưu kho hàng hóa trong suốt các hoạt động Logistics; hoạt động xử lý lại hàng hóa bị khách hàng trả lại, hàng hóa tồn kho, hàng hóa quá hạn, lỗi mốt và tái phân phối hàng hóa đó; hoạt động cho thuê và thuê mua container. Các dịch vụ logistics liên quan đến vận tải, bao gồm: Dịch vụ vận tải biển, Dịch vụ vận tải thuỷ nội địa. Dịch vụ vận tải hàng không, Dịch vụ vận tải đường sắt, Dịch vụ vận tải đường bộ, Dịch vụ vận tải đường ống. Các dịch vụ logistics liên quan khác, bao gồm: Dịch vụ kiểm tra và phân tích kỹ thuật, Dịch vụ bưu chính, Dịch vụ thương mại bán buôn, Dịch vụ thương mại bán lẻ - bao gồm cả hoạt động quản lý hàng lưu kho, thu gom, tập hợp, phân loại hàng hóa, phân phối lại và giao hàng, Các dịch vụ hỗ trợ vận tải khác.
Ông Nguyễn Công Bằng cho biết, hoạt động Logistics hiện nay vẫn còn một số những tồn tại phát sinh do nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan: Về quy mô của doanh nghiệp; Hoạt động kinh doanh dịch vụ logistics của doanh nghiệp và một số nguyên nhân khác. Ông hy vọng buổi tọa đàm là cơ hội để các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực Logistic có ý kiến về cơ chế, chính sách, môi trường cạnh tranh, cùng thảo luận để có những hướng đi mới cho hoạt động Logistic trong tương lai.
Phát biểu tại tọa đàm, ông Đỗ Xuân Quang, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp dịch vụ Logistic Việt Nam đưa ra những yếu kém, sự thiếu đồng bộ về cơ sở hạ tầng, những hạn chế, thiếu sót về cơ chế, chính sách đồng thời đề xuất những giải pháp nâng cao nguồn nhân lực, đầu tư phát triển hạ tầng một cách đồng bộ, xây dựng hệ thống chính sách ổn định, phù hợp. Đồng ý kiến với ông Đỗ Xuân Quang, đại diện nhiều doanh nghiệp đều khẳng định hoạt động Logistic Việt Nam đang có lỗ hổng lớn về cơ sở hạ tầng đặc biệt là hệ thống đường sắt và các cảng trung chuyển đường sắt, dẫn đến không tận dụng được lợi thế của các phương thức vận tải…
Thứ trưởng Lê Đình Thọ phát biểu tại tọa đàm
Đại diện Công ty Cổ phần Vận tải Vinaco đề nghị Bộ GTVT cần có những chính sách ổn định, khuyến khích đầu tư, đặc biệt, trong nỗ lực siết lại điều kiện kinh doanh hoạt động vận tải, kiểm soát tải trọng phương tiện, đề nghị Bộ triển khai quyết liệt để tạo ra môi trường kinh doanh lành mạnh, công khai, minh bạch. Trả lời ý kiến của Công ty Cổ phần Vận tải Vinaco, Thứ trưởng Lê Đình Thọ khẳng định hiện tại môi trường vận tải Việt Nam chưa có sự công bằng, nhiều doanh nghiệp kinh doanh chân chính còn chịu thiệt thòi.
"Bộ GTVT đã và đang có chính sách thiết lập lại trật tự kỷ cương trong vấn đề vận tải đặc biệt vấn đề xử lý xe quá khổ, quá tải, xử phạt về điều kiện kinh doanh vận tải… Bên cạnh việc gấp rút bổ sung, sửa đổi các Thông tư quy định về điều kiện kinh doanh, kích thước, giới hạn thùng xe… Bộ sẽ tổ chức nhiều đoàn Thanh tra, kiểm tra quyết liệt kiểm soát, xử lý phương tiện tại các địa phương", Thứ trưởng Lê Đình Thọ nhấn mạnh.
Sau khi nghe đại diện các doanh nghiệp tham gia ý kiến, kết thúc buổi tọa đàm, Thứ trưởng Lê Đình Thọ đề nghị các doanh nghiệp sẽ cùng với Bộ tiếp tục đưa ra những giải pháp thiết thực nhằm tháo gỡ những khó khăn trong việc phát triển Logistic tại Việt Nam. Thứ trưởng mong muốn Hiệp hội doanh nghiệp dịch vụ Logistic Việt Nam tiếp tục rà soát lại các lĩnh vực: Cơ sở hạ tầng, cơ chế chính sách, nguồn lực, kết nối… để cùng đồng hành, tìm ra hướng đi mới, các bước phát triển cho hoạt động Logistic Việt Nam./.
Theo mt.gov.vn