Nhiều doanh nghiệp cho biết đã “choáng váng” với biểu mức phí mới liên quan đến việc nâng và đăng ký trước số container rỗng tại cảng Cát Lái (TP.HCM) vừa được Tổng công ty Tân cảng Sài Gòn thông báo.
Theo các doanh nghiệp chuyên kinh doanh hàng xuất nhập khẩu, việc tăng các loại phí này là áp đặt một chiều, không quan tâm quyền lợi doanh nghiệp.
Doanh nghiệp nản
Từ ngày 1-9, Tổng công ty Tân cảng Sài Gòn sẽ ngưng tiếp nhận các container hàng nhập khẩu về cảng Tân Cảng. Trước đó, theo thông báo của tổng công ty này, từ ngày 1-8, cảng Cát Lái cũng tạm ngưng tiếp nhận container hàng nhập từ các cảng thuộc khu vực TP.HCM và Bà Rịa - Vũng Tàu chuyển về, trừ những container từ các cảng thuộc hệ thống của tổng công ty này. |
Kể từ ngày 15-7, theo thông báo của Tổng công ty Tân cảng Sài Gòn, phí nâng container giao khách hàng tại cảng Cát Lái sẽ tăng lũy tiến theo thời gian lưu bãi đối với container hàng khô và lạnh trong biểu giá đối nội.
Theo đó, phí nâng container từ bãi lên xe giao hàng từ 1-6 ngày đối với hàng khô và đông lạnh loại 20 feet giá 275.000 đồng, 40 feet lên 485.000 đồng và 45 feet lên 570.000 đồng.
Chi phí này càng tăng cao khi thời gian lưu bãi kéo dài. Cụ thể, đối với container lưu bãi từ ngày thứ bảy đến ngày thứ 15, mức phí này được điều chỉnh gần như gấp đôi so với sáu ngày đầu tiên.
Cũng từ ngày 15-7, cảng Cát Lái thu phí đối với khách đăng ký lấy trước số container rỗng tại cảng Cát Lái để phục vụ khai báo hải quan điện tử, cảng thông báo sẽ tiến hành nâng hạ, đảo chuyển container được cấp ra khu vực giao nhận riêng.
Theo đó, trong hai ngày từ thời điểm khách đăng ký cấp trước số container đến lúc tới lấy, cảng sẽ thu phí 420.000 đồng/container 20 feet và 620.000 đồng/container 40 feet (mức 1). Riêng mức 2 và mức 3 tính thời gian từ 3-7 ngày áp dụng mức thu tăng từ 50-100% so với mức 1.
Ông Vũ Thái Sơn - chủ tịch HĐQT Công ty CP Long Sơn, chuyên xuất nhập khẩu hạt điều - than thở: “Nghe tin thông báo mà chúng tôi nản quá. Mấy tháng nay chúng tôi chạy đôn chạy đáo lo kiếm xe, nhân lực để giải quyết vấn đề hạ tải trọng chưa xong, nay lại thêm chuyện tăng phí tại cảng”.
Ông Sơn tính toán với sản lượng điều thô dự kiến nhập trong năm 2014 hơn 40.000 tấn, riêng mức phí nâng container khiến doanh nghiệp tốn thêm vài trăm triệu đồng. “Trong khi thị trường đầu ra của hạt điều ngày càng khó khăn, việc tăng phí này càng khiến các doanh nghiệp ngành điều lao đao thêm” - ông Sơn nói.
Giám đốc một số doanh nghiệp ngành dệt may bức xúc cho biết do nguyên phụ liệu nhập khẩu đều thuộc loại hàng hóa phải có chứng từ kiểm định trước khi thông quan, thời gian lưu bãi kéo dài, chi phí lưu kho lưu bãi chắc chắn tăng mạnh. “Chúng tôi không thể chủ động các khâu kiểm định trước khi thông quan nên dù có muốn cũng đâu lấy hàng nhanh được, việc tăng phí này sẽ chồng thêm khó cho doanh nghiệp” - vị giám đốc này bức xúc.
Tương tự, các ngành da giày, hóa mỹ phẩm... cũng buộc phải có chứng từ kiểm định hàng hóa trước khi thông quan đối với các nguyên phụ liệu, nguy cơ tăng thêm gánh nặng phí lưu kho lưu bãi là khó tránh khỏi.
Tăng phí để khuyến khích doanh nghiệp lấy hàng sớm
Trong văn bản gửi khách hàng để thông báo việc tăng phí, ông Ngô Trọng Phàn - phó tổng giám đốc Tổng công ty Tân cảng Sài Gòn - cho rằng thời gian gần đây lượng tồn container tại cảng Cát Lái tăng cao, ảnh hưởng lớn đến năng suất giải phóng tàu và chất lượng dịch vụ cầu cảng.
Do đó, việc nâng mức phí này nhằm khuyến khích các doanh nghiệp lấy hàng sớm, giảm thời gian lưu bãi tại cảng.
Ngoài mức tăng phí này, các trường hợp phụ thu liên quan đến dịch vụ nâng container vẫn được thực hiện theo các quy định trước đó.
Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp bức xúc cho rằng giải thích của Tổng công ty Tân cảng Sài Gòn là chưa thuyết phục, chỉ nhằm gỡ khó cho công ty này mà chẳng quan tâm đến quyền lợi các doanh nghiệp khác.
“Phía tổng công ty thông báo tăng giá nâng container nhưng xét lại mức phí này chẳng khác nào chi phí cho việc lưu hàng tại cảng của doanh nghiệp. Bản thân doanh nghiệp hoàn toàn không muốn việc chậm trễ này” - giám đốc một doanh nghiệp chuyên kinh doanh hàng nhập khẩu nói.
Theo vị giám đốc này, có nhiều nguyên nhân khiến hàng lưu tại kho bãi của cảng tăng và kéo dài, trong đó có yếu tố bị ảnh hưởng từ việc “siết” tải trọng thời gian gần đây. Để chấp hành, bản thân doanh nghiệp phải hạ tải, thuê thêm xe, nhân công để đảm bảo thời gian vận chuyển hàng hóa.
“Phía cảng có khó khăn nhưng áp dụng biện pháp tăng giá để giải quyết thì rõ ràng không sòng phẳng, bởi lỗi phần nào cũng do năng lực của cảng chưa thể đáp ứng nhu cầu này” - anh Huy, đại diện doanh nghiệp dịch vụ xuất nhập khẩu, cho biết.
Ông Vũ Thái Sơn cũng cho rằng việc tháo dỡ để hạ tải trọng không chỉ riêng phía cảng gặp khó, mà bản thân các doanh nghiệp nhập khẩu còn bị ảnh hưởng nặng hơn do tốn kém khá nhiều chi phí cho việc này.
Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp xuất nhập khẩu đặt câu hỏi không biết khi lý do lượng container tồn tại cảng được giải quyết thì mức tăng phí này có được điều chỉnh giảm hay không?
Theo Tuổi Trẻ Online.
|