Chỉ riêng tiền phí và phụ phí, mỗi năm các hãng tàu nước ngoài thu của doanh nghiệp Việt Nam tới 29.000 tỷ đồng. Bộ Công Thương, Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) và các hiệp hội đang tìm cơ chế để nhanh chóng giám sát các khoản thu phí bất hợp lý này.
Thời gian qua, nhiều doanh nghiệp (DN) xuất khẩu đã liên tục kiến nghị việc các hãng tàu tăng thu vô lý các khoản phí như: phí vệ sinh container, phí sửa chữa container..., trong khi các loại phí này đã được tính vào khấu hao và thuộc trách nhiệm của chủ tàu.
Các hãng tàu nước ngoài lấy lý do thu phí hộ các cảng nhưng lại thu quá cao so với mức thu thực tế của cảng. Bên cạnh đó, thời gian thu kéo dài thêm nhiều tháng khi các cảng ngừng thu phí, khiến doanh nghiệp xuất nhập khẩu của Việt Nam bị thiệt hại nghiêm trọng.
Theo ông Nguyễn Hoài Nam, Phó tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), mỗi container hàng hóa đang phải gánh 500 USD cho các khoản phí và phụ phí.
Chỉ tính riêng 3 ngành gồm thủy hải sản, da giày và may mặc, các loại phí, phụ phí phải nộp cho các chủ tàu hằng năm chiếm khoảng 1% tổng kim ngạch xuất khẩu, tức khoảng hơn 7.770 tỷ đồng (tương đương 370 triệu USD). Còn theo thống kê của các hiệp hội ngành hàng, chỉ riêng tiền phí và phụ phí, mỗi năm các hãng tàu nước ngoài thu của DN Việt Nam tới 29.000 tỷ đồng.
Hiện nay có khoảng 40 hãng tàu biển nước ngoài kinh doanh tại Việt Nam, vận chuyển khoảng 88% khối lượng hàng hóa xuất nhập khẩu, trong đó đảm nhận gần 100% hàng hóa xuất khẩu đóng trong container.
Trong khi đó, đội tàu biển Việt Nam lại chưa đủ năng lực vận chuyển hàng hóa nên các chủ hàng thường phải sử dụng hình thức mua CIF, bán FOB nên quyền thuê phương tiện chủ yếu phụ thuộc vào đội tàu nước ngoài và đối tác nước ngoài.
Với sự phụ thuộc quá lớn kèm với việc không có văn bản của Việt Nam quy định về việc thu, nộp, tăng các loại phụ phí nên hiện nay đã có từ 12-15 loại phụ phí mà các DN Việt Nam buộc phải trả. Trong khi thời điểm giá cước vận tải không tăng, thậm chí còn giảm thì các loại phí "mẹ” lại "đẻ” ra 3-4 loại phí "con" là rất bất hợp lý.
Trước tình hình trên, ngày 22/10, Bộ GTVT đã có công văn hỏa tốc số 1075/TB-BGTVT thông báo kết luận của Thứ trưởng Nguyễn Văn Công, tại Hội nghị Đối thoại DN vận tải biển, cảng biển năm 2014 (lần 2) về vấn đề kiểm soát việc thu phí, phụ phí bất hợp lý đối với hàng hóa xuất nhập khẩu của Việt Nam.
Thứ trưởng Công yêu cầu Vụ Pháp chế nghiên cứu, tham mưu cho Bộ giao nhiệm vụ cho Cục Hàng hải Việt Nam quản lý (thí điểm) một số cảng, bến thủy nội địa chưa có cảng vụ đường thủy nội địa quản lý.
Cục Hàng hải Việt Nam khẩn trương nghiên cứu, báo cáo phương án nâng giá sàn đối với khu vực Cái Mép - Thị Vải; làm việc với Hiệp hội Cảng biển Việt Nam, các DN khai thác cảng biển để thống nhất không giảm giá dịch vụ tại cảng biển dưới áp lực của các hãng tàu nước ngoài, và ngược lại không tăng giá một cách phi lý đối với các DN vận tải biển trong nước.
Theo sự chỉ đạo của Bộ trưởng Đinh La Thăng, Bộ GTVT đã thành lập Tổ công tác liên ngành bao gồm: đại diện Bộ GTVT (Cục Hàng hải Việt Nam, Vụ Vận tải), Bộ Tài chính (Tổng cục Thuế, Cục Quản lý giá), Bộ Công Thương (Cục Xuất nhập khẩu, Cục Quản lý cạnh tranh), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, các hiệp hội gồm: Hiệp hội Chủ hàng Việt Nam và Hiệp hội Cảng biển Việt Nam làm việc với các hãng tàu biển nước ngoài, chủ hàng hóa để làm minh bạch việc thu phí, phụ phí.
Đề nghị các hãng tàu ngừng thu ngay một số loại phí không hợp lý, đưa ra cơ chế quản lý, giám sát việc thu và nộp phí, phụ phí vận tải của chủ tàu và chủ hàng.
Ngày 23/10 Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Anh Tuấn cũng có buổi làm việc với các hiệp hội để nắm bắt những khó khăn mà DN đang gặp phải, đồng thời tìm kiếm các giải pháp thúc đẩy sự phát triển của DN vận tải biển, cảng biển, dịch vụ logistics.
Một lần nữa vấn đề kiểm soát tải trọng phương tiện, thu phụ phí bất hợp lý của các hãng tàu nước ngoài đối với DN xuất nhập khẩu Việt Nam lại được các DN nêu rõ.
Các DN còn đề cập đến các vấn đề như: tính minh bạch trong cam kết WTO chưa rõ ràng, giải thích cam kết WTO về logistics chưa thống nhất, vấn đề đào tạo nguồn nhân lực về logistics còn thiếu và yếu, vấn đề tắc nghẽn hàng hóa tại cảng biển còn xảy ra, thủ tục thông quan hàng hóa còn nhiều bất cập...
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam Bùi Thiên Thu đánh giá sự phối hợp của các hiệp hội và các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành vẫn chưa cao; vai trò của các hiệp hội trong hoạt động, kinh doanh của các DN chưa thực sự được phát huy, các hiệp hội còn thiếu sự chủ động.
Do đó, Phó Cục trưởng đã đưa ra một số đề xuất, kiến nghị về việc thành lập Ủy ban Quốc gia về logistics, về cơ chế làm việc giữa Bộ GTVT, Bộ Công Thương và các hiệp hội nhằm tháo gỡ, giải quyết những khó khăn, vướng mắc của DN.
Trước những kiến nghị trên, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đề nghị các hiệp hội cần phát huy vai trò và chủ động phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước nhằm giải quyết khó khăn, vướng mắc của DN trong lĩnh vực mà hiệp hội phụ trách.
Theo Doanh nghiệp Sài Gòn.