Cục Hàng Hải VN cho biết, hiện có khoảng 12 - 15 loại phí, lệ phí do các hãng tàu nước ngoài đồng loạt áp dụng, trong đó có nhiều loại không phù hợp với thông lệ quốc tế.
Phó Cục trưởng Cục Hàng hải VN Bùi Thiên Thu cho biết, một số loại phí đang thu không đúng quy định, không phù hợp thông lệ quốc tế và pháp luật VN như: Phí dịch vụ container THC, phí mất cân đối container CIC, phí tắc nghẽn cảng PCS, phí vệ sinh container, phí sửa chữa vỏ container, phí thủ tục, phí lưu kho bãi, phí xuất hóa đơn…
“Như phí vận đơn, hiện chủ hàng phải trả cho chủ tàu khoảng 1 triệu đồng/vận đơn. Trong khi theo quy định của Bộ luật Hàng hải VN, phí này thuộc nghĩa vụ của người vận chuyển, người giao hàng. Hay như phí vệ sinh container, phí sửa chữa container, chủ các mặt hàng sạch như dệt may, da giầy... đều phải nộp cho chủ tàu, trong khi nhiều chủ hàng phản ánh container khi doanh nghiệp (DN) nhận về để xếp hàng vào rất bẩn, phải tự làm vệ sinh lại. Nhiều container thủng DN phải đưa đi hàn lại nếu không muốn hàng bị ướt, hỏng”, ông Thu nói.
Ông Nguyễn Hoài Nam - Tổng thư ký Hiệp hội thủy sản cũng cho rằng, phí và lệ phí ngày càng nhiều. Chúng tôi không chỉ bức xúc vì mất tiền mà còn bức xúc vì phí rất vô lý. Ví dụ như phí xếp container bất hợp lý, chủ hàng có phải là người xếp đâu mà phải nộp.
Theo ông Bùi Thiên Thu, 4-5 năm trở lại đây mới xuất hiện các loại phí và lệ phí này. DN Việt Nam hầu hết mua CIF bán FOB, nên không được trực tiếp ký hợp đồng vận chuyển trong khi thống kê cho thấy có tới 90% hàng hoá XNK là do hãng tàu ngoại đảm nhận. “Nếu chứng minh được ở đây có sự câu kết giữa các hãng tàu nước ngoài để áp đặt, độc quyền, chắc chắn Nhà nước phải vào cuộc can thiệp”, ông Thu nói.
Ông Phan Thông, Tổng thư ký Hiệp hội chủ hàng cho biết, các hiệp hội, ngành hàng đã rất cố gắng, tranh luận với các hãng tàu. Vấn đề là không có cơ sở nào để quyết định đâu là đúng là sai, không có căn cứ để đấu tranh. Nay phải làm cho rõ, cái nào bất hợp lý phải bỏ.
Theo ông Trần Việt Hà, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp quốc tế, Bộ GTVT, hiện một số nước đã nghiêm cấm việc phụ thu các loại lệ phí đối với hàng hóa XNK và đã thực hiện thành công như: Bangladesh, Sri Lanca. Cụ thể, Tổng thống Sri Lanca tuyên bố từ ngày 1/4/2014 việc thu phụ phí xếp dỡ tại cảng và các loại phụ phí khác của hãng tàu là vi phạm pháp luật.
Theo Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Công, hiện nay chỉ có ba hiệp hội hoạt động mạnh, còn đều hoạt động nhỏ lẻ. “Quan điểm của Bộ GTVT là phải đấu tranh quyết liệt để giảm chi phí bất hợp lý cho chủ hàng VN. Cái gì thông lệ quốc tế có, không trái với Luật của VN thì chấp nhận, nhưng mức thu, thời điểm thu như thế nào cũng phải có Hiệp hội đứng ra đàm phán. Nếu có liên kết ép giá, độc quyền, Bộ GTVT sẽ phối hợp với các Bộ Tài chính, Công thương… yêu cầu chủ tàu, các đại lý phải giải trình cho minh bạch căn cứ thu, dừng thu ngay những loại phí, lệ phí nào bất hợp lý” - Thứ trưởng nhấn mạnh.
Theo Giao thông vận tải.