Cục Hàng hải vừa kiến nghị Bộ Giao thông vận tải (GTVT) giao cục này phối hợp với Cục Quản lý cạnh tranh, Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương), Phòng Thương mại - Công nghiệp VN, Hiệp hội Chủ hàng, Hiệp hội Ngành hàng... rà soát việc thu các loại phụ phí, so sánh với quy định của pháp luật VN và thông lệ quốc tế, từ đó yêu cầu chủ tàu ngừng thu ngay một số loại phí không hợp lý.
Theo Cục Hàng hải, tại cuộc họp về việc thu phụ phí của các hãng tàu biển nước ngoài, được tổ chức tại TP.HCM vào ngày 8.8 vừa qua, các chủ hàng, Hiệp hội Ngành hàng đã bày tỏ bức xúc đối với việc thu quá nhiều loại phụ phí. Hiện nay có khoảng 10 loại phụ phí đang được các chủ tàu áp dụng như phí dịch vụ container, phí mất cân đối container, phí tắc nghẽn cảng, phí vệ sinh container, phí sửa chữa vỏ container, phí thủ tục, phí lưu kho bãi... Riêng phí tắc nghẽn, Cục cũng đã có văn bản yêu cầu các hãng tàu, đại lý hãng tàu không thu tại cảng Cát Lái kể từ khi Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn thông báo cảng đã hoạt động bình thường nhưng một số hãng tàu hoặc đại lý hãng tàu vẫn thu.
Ngoài ra, phí dịch vụ container (là phí trả cho cảng xếp dỡ container) do chủ tàu trực tiếp thu của chủ hàng và nộp cho cảng, mức thu của cảng khoảng 35 USD/cont 20 feets và 40 - 50 USD/cont 40 feets nhưng chủ tàu thu 100 - 120 USD/cont để hưởng chênh lệch. Còn phí mất cân đối container chỉ phát sinh khi có sự mất cân đối vỏ container giữa 2 đầu bến. Đối với hàng nhập về VN, nếu phát sinh phí thì chủ hàng xuất tại nước ngoài sẽ chịu, nhưng chủ tàu vẫn thu từ chủ hàng VN với giá khoảng 50 USD/cont 20 feets và 100 USD/cont 40 feets và thu liên tục từ năm 2010 đến nay. Phí vệ sinh container được áp dụng với cả những loại hàng sạch như dệt may, da giày với khoảng 2,5 triệu đồng/cont...
Việc đóng quá nhiều phí như vậy làm tăng chi phí vận tải và giá thành sản phẩm, giảm sự cạnh tranh của hàng hóa VN trên thị trường quốc tế.
Theo Thanh niên online.
|