|
Năm 2012, sản xuất cà phê của Việt Nam vừa được mùa, vừa được giá và xuất khẩu đã vượt Brazil lên đứng đầu thế giới. Đáng chú ý, người trồng cà phê đã tương đối chủ động trong việc tham gia điều tiết thị trường.
Năm 2012 là năm thứ 5 liên tục diện tích thu hoạch cà phê của Việt Nam vượt qua mốc 500.000 ha, sản lượng vượt qua mốc 1 triệu tấn, khối lượng xuất khẩu vượt qua mốc 1 triệu tấn. Tính theo niên vụ cà phê (từ 1-10-2011 đến 30-9-2012), Bộ NNPTNT ước tính khối lượng xuất khẩu đạt 1,6 triệu tấn, với kim ngạch đạt trên 3 tỉ USD. Cà phê nằm trong nhóm 12 mặt hàng đạt kim ngạch từ 2 tỉ USD trở lên. Cà phê cũng là mặt hàng có tốc độ tăng so với cùng kỳ năm trước khá cao (lượng tăng 34,6%, kim ngạch tăng 29,5%, cao gấp gần 1,6 lần tốc độ tăng tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam).
Như vậy, xuất khẩu cà phê năm 2012 của Việt Nam cả về khối lượng, cả về kim ngạch đã đạt đỉnh cao nhất từ trước tới nay và lần đầu tiên đã vượt qua Brazil lên đứng đầu thế giới. Về thị trường, trong 8 tháng đầu năm, có 18 thị trường đạt mức nhập khẩu trên 10.000 tấn cà phê của Việt Nam, trong đó, có 15 thị trường đạt từ 20.000 tấn trở lên. Nhập cà phê nhiều nhất từ Việt Nam là Đức (159.500 tấn), Mỹ (141.900 tấn), Italia (76.900 tấn), Tây Ban Nha (71.300 tấn), Nhật Bản (58.900 tấn), Bỉ (43.600 tấn), Indonesia (41.200 tấn), Mexico (34.300 tấn), Trung Quốc (30.100 tấn), Phillipines (28.100 tấn), Pháp (24.500 tấn), Nga (23.400 tấn), Thái Lan (22.600 tấn)… Đạt được kết quả trên do nhiều nguyên nhân, mà trước hết do diện tích thu hoạch cà phê của nước ta tăng liên tục qua các năm: nếu năm 2000 mới đạt 477.000 ha, thì năm 2005 đạt 484.000 ha, năm 2010 đạt 512.000 ha, năm 2011 đạt 534.000 ha. Điều kiện tự nhiên phù hợp với cây cà phê cộng với triển vọng xuất khẩu của cà phê đã có sức hấp dẫn đối với người dân mở rộng diện tích, chuyển dịch cơ cấu giống cà phê có giá trị cao, tích cực chăm sóc để có năng suất, chất lượng sản phẩm.
Bên cạnh đó, từ 2 năm nay người trồng cà phê đã tương đối chủ động tham gia điều tiết thị trường, không còn tình trạng khi thu hoạch rộ thì ồ ạt bán ra làm cho giá cả bị xuống thấp; khi giá xuống thấp thì lại càng bán ra vì sợ giá xuống thấp nữa. Đồng thời, sự cạnh tranh thu mua cà phê giữa các công ty trong nước và doanh nghiệp nước ngoài bước đầu đã tạo ra thị trường có lợi cho người trồng cà phê.
Tuy nhiên, dù được mùa và đạt đỉnh cao mới về diện tích, sản lượng sản xuất, khối lượng xuất khẩu, nhưng vẫn phải quan tâm nhiều hơn tới việc phát triển bền vững cây cà phê Việt Nam.
Một là cần phải có cơ sở vật chất kỹ thuật để bảo đảm các điều kiện về thủy lợi, chăm sóc để có năng suất cao và ổn định; cần thận trọng khi mở rộng diện tích ra các vùng không có điều kiện thuận lợi. Hai là cần tiếp tục chuyển đổi cơ cấu giống cà phê để tăng thu nhập trên 1 ha diện tích và trên 1 tấn sản phẩm. Ba là giảm dần tỷ trọng xuất khẩu sản phẩm thô, tăng tỷ trọng sản phẩm cà phê chế biến sâu để tăng giá trị gia tăng. Muốn vậy cần có thêm các cơ sở chế biến hiện đại để đạt được cả ba tác dụng: tăng mạnh giá trị sản phẩm; giúp cho việc dự trữ tập trung, trong thời gian dài, bảo đảm chất lượng theo quy trình công nghệ công nghiệp; đưa sản phẩm cà phê Việt Nam đến thẳng người tiêu dùng trên thế giới.
Theo NLĐ
|