Trong 9 tháng đầu năm, Việt Nam xuất siêu 34 triệu USD nhưng lại nhập siêu từ Trung Quốc tương đối lớn. Các chuyên gia cảnh báo, lệ thuộc vào một thị trường NK là điều không tốt.
“Hiện tượng tự nhiên”
Trong 9 tháng đầu năm 2012, Việt Nam XK vào Trung Quốc tăng 20,5% với 9,4 tỷ USD. Nhưng Việt Nam cũng trở thành thị trường NK lớn của Trung Quốc với kim ngạch 9 tháng đạt mức kỷ lục 20,7 tỷ USD, chiếm hơn 24,7% tổng kim ngạch NK cả nước. Như vậy, tính chung 9 tháng đầu năm, Việt Nam nhập siêu từ Trung Quốc lên tới 11,3 tỷ USD.
ông Phạm Tất Thắng, nghiên cứu viên cao cấp của Bộ Công Thương cho biết, Trung Quốc là thị trường có sức tiêu thụ lớn về khối lượng, dung nạp các cấp độ hàng hóa (chất lượng cao, vừa phải, hàng có hàm lượng chế biến cao, hàng nguyên liệu thô…). Do vậy, bất kỳ quốc gia nào đưa hàng hóa vào Trung Quốc là rất tốt.
Thậm chí, những nước phát triển coi việc đưa hàng hóa vào Trung Quốc là mục tiêu bền vững. Việt Nam luôn xác định thị trường Trung Quốc là thị trường quan trọng đặc biệt - thị trường lớn, gần về địa lý và chi phí tối thiểu nhất. Đến nay, một số mặt hàng Việt Nam XK sang Trung Quốc như thực phẩm chế biến, thủy sản, gạo… Như vậy, kim ngạch XK sang Trung Quốc tăng là điều đáng mừng.
Trong cuộc họp báo gần đây nhất của Bộ Công Thương, ông Trần Thanh Hải, Phó Vụ trưởng Vụ Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho rằng, hiện Trung Quốc là bạn hàng lớn do đặc điểm địa lý là nước láng giềng. Đây cũng là cường quốc vươn lên nhanh chóng, trong đó có việc trở thành thị trường NK lớn của Việt Nam. Vì thế, việc trở thành nước NK lớn nhất của Việt Nam là “hiện tượng tự nhiên”.
Nhưng nhìn vào bức tranh NK thì hiện nay Việt Nam vẫn đang nhập siêu từ thị trường Trung Quốc. Hơn nữa, trong cơ cấu các mặt hàng, Việt Nam NK đến 2/3 là nguyên phụ liệu cho sản xuất như dệt may và nhiều mặt hàng khác để phục vụ sản xuất... Về lâu dài, để hạn chế tình trạng Trung Quốc là thị trường NK lớn nhất thì cả nước cũng như từng khu vực phải tăng cường XK sang Trung Quốc qua các kênh chính ngạch, thương mại qua biên giới nhằm cân đối lại cán cân thương mại.
Phân tích rõ cơ cấu
Tuy nhiên, theo các chuyên gia kinh tế, hiện tượng Việt Nam NK lớn từ Trung Quốc là không bình thường, đáng lo ngại. Trên thực tế, Việt Nam không chỉ NK từ Trung Quốc những nguyên liệu phục vụ cho sản xuất XK mà còn NK rất nhiều chủng loại khác nhau, có thể nói là “thượng vàng hạ cám” như: Hàng tiêu dùng, hoa quả, rau xanh… qua cả đường tiểu ngạch, chính ngạch.
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cho rằng, sự phụ thuộc nhất định vào thị trường Trung Quốc đang tạo ra 2 mối nguy hiểm cho Việt Nam. Hàng hóa thực phẩm, ăn uống, trái cây giá rẻ tràn vào nhưng lại không được kiểm soát tốt về chất lượng ảnh hưởng đến sức khỏe của người tiêu dùng. Quan trọng hơn, Trung Quốc đang có chiến lược “đẩy” hàng ngàn thiết bị công nghệ sản xuất lạc hậu sang các nước, trong đó có Việt Nam.
Trong bối cảnh nhập siêu cả nước giảm nhưng nhập siêu từ Trung Quốc lại tăng cho thấy, lệ thuộc đầu vào từ các thị trường khác đã là bất lợi và nhập siêu lớn từ một thị trường lại càng bất lợi hơn. Ông Thắng khuyến cáo, Việt Nam cần học cách phân tán rủi ro. Thay bằng việc NK công nghệ thải loại của Trung Quốc, Việt Nam nên NK công nghệ tiến tiến của các thị trường Mỹ, EU, Nhật Bản… Việc này vừa hạn chế được nhập siêu từ Trung Quốc, đồng thời nâng cao giá trị gia tăng cho hàng hóa.
Mục tiêu lâu dài của nước ta là cân bằng cán cân thương mại với Trung Quốc, nhưng trước mắt Việt Nam chưa thể đạt được mục tiêu này. Bởi một số ngành hàng sản xuất phục vụ XK của Việt Nam còn phụ thuộc nguyên liệu đầu vào của Trung Quốc. Chỉ khi nào Việt Nam phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ theo hướng đảm bảo nguyên liệu đầu vào thì Việt Nam mới hạn chế và dần cân bằng được cán cân thương mại. Đặc biệt, nếu chúng ta XK hàng hóa chế biến sâu, chất lượng cao… thì tốt hơn rất nhiều.
Theo Vinanet