Hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang Liên minh châu Âu (EU) thời gian qua vẫn phụ thuộc vào khu vực có vốn đầu tư nước ngoài với các mặt hàng như: điện tử, máy tính và linh kiện, điện thoại các loại và linh kiện, dệt may, giày dép…; trong khi khả năng tiếp cận thị trường này của các doanh nghiệp (DN) Việt còn hạn chế.
Khó chen
Theo Bộ Công Thương, từ năm 2012, EU đã vượt Mỹ trở thành thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Năm 2013, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam - EU đạt trên 33,7 tỉ USD, tăng 16% so với năm trước đó, trong đó xuất khẩu của Việt Nam sang EU đạt 24,3 tỉ USD và nhập khẩu từ thị trường này hơn 9,4 tỉ USD. Trong quý I/2014, hàng Việt xuất vào EU tiếp tục khả quan, tăng trưởng 14,1%. Ông Đặng Hoàng Hải, Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu - Bộ Công thương, cho biết thuận lợi của DN Việt khi xuất khẩu trực tiếp vào hệ thống phân phối của EU giúp duy trì bền vững đầu ra cho sản phẩm, dễ dàng tiếp cận thông tin về quy chuẩn, tiêu chuẩn của nhà nhập khẩu nhưng DN phải đáp ứng rất nhiều yêu cầu về chất lượng, quy chuẩn cao, nếu không sẽ bị phụ thuộc khi chưa xây dựng được thương hiệu, nhãn mác cho mình.
Dưới góc độ DN, ông Trần Anh Hoàng, Giám đốc Công ty CP Linh Anh, cho biết công ty sản xuất các sản phẩm nông nghiệp cung cấp cho kênh siêu thị trong nước và định hướng xuất khẩu vào châu Âu. Tuy nhiên, DN rất khó tiếp cận thị trường này bởi yêu cầu nhiều chỉ tiêu nhập hàng, thủ tục pháp lý chặt chẽ trong khi nguồn cung từ thị trường trong nước lại không ổn định. Ông Hoàng Văn Huệ - Giám đốc Công ty CP Gò Đàng, chuyên xuất khẩu cá phi lê đông lạnh và nhuyễn thể hai mảnh (nghêu) - cho biết sản phẩm của công ty xuất đi nhiều thị trường, trong đó EU chiếm 60%-70% doanh số. Dù vậy, rào cản kỹ thuật luôn là vướng mắc cho DN khi xuất hàng vào thị trường này. “Xuất khẩu nghêu phải có chứng thư về chất lượng nước vùng nuôi sản phẩm cho từng lô hàng nhưng đến nay, chưa cơ quan nào đủ nhân lực để giám sát theo dõi kiểm tra và cấp chứng thư. Việc cấp giấy chứng nhận chất lượng của sản phẩm còn chậm cũng làm khách hàng chưa hài lòng…” - ông Huệ dẫn chứng.
Hiểu rõ nhu cầu thị trường
Theo ông Trần Anh Hoàng, nhiều DN muốn xuất khẩu hàng Việt qua châu Âu nhưng khó khăn không ít, nhất là các DN vừa và nhỏ, từ khâu chất lượng, bao bì, mẫu mã, giấy chứng nhận thuốc bảo vệ thực vật… đều rất phức tạp. Do đó, các hiệp hội cần hỗ trợ nhiều hơn cho DN vừa và nhỏ bởi họ là nền tảng để phát triển sau này và cũng là nhà cung ứng hàng nguyên liệu.
Còn ông Đặng Hoàng Hải cho rằng để tăng cường xuất khẩu vào thị trường EU, DN cần tích cực chủ động yêu cầu hỗ trợ về kỹ thuật, thông tin tiêu chuẩn, thông tin thị trường và thị hiếu khách hàng từ chính nhà phân phối để bảo đảm sản phẩm mình làm ra phù hợp với yêu cầu của nhà nhập khẩu, người tiêu dùng chấp nhận…
Đối với một số mặt hàng chưa đủ khả năng xây dựng thương hiệu, nhãn mác riêng, DN có thể hợp tác với nhà phân phối từ khâu sản xuất. Quan trọng là DN trong nước phải liên kết chặt chẽ để có sự hỗ trợ lẫn nhau. Đối với những mặt hàng Việt Nam đã có kinh nghiệm xuất khẩu, nội lực DN mạnh và có chiến lược phát triển rõ ràng có thể tận dụng kênh xuất khẩu trực tiếp vào hệ thống phân phối để đẩy mạnh xuất khẩu vào thị trường này. Mặt khác, để hàng Việt có chỗ đứng trong các hệ thống phân phối tại thị trường EU, ngoài các quy định chung, DN cần phải nắm rõ thói quen tiêu dùng của từng thị trường để lựa chọn kênh phân phối phù hợp.
Theo Báo Người Lao Động Điện tử