New Zealand vừa ký kết “Chương trình bảo đảm chính thức” để nhập khẩu thanh long Việt Nam vào nước này. Đây là cơ hội ngàn vàng. Tuy nhiên, để có chỗ đứng nơi trời Tây, trái thanh long phải bảo đảm các tiêu chuẩn gắt gao về an toàn thực phẩm
Tại Bình Thuận, thủ phủ thanh long của cả nước, đa phần nông dân chuyên trồng thanh long tỏ ra không mấy mặn mà khi đón nhận thông tin nói trên.
Thị trường Trung Quốc: Nhiều rủi ro
Theo thống kê của Hiệp hội thanh long tỉnh Bình Thuận, hiện sản lượng thanh long toàn tỉnh trên dưới 450.000 tấn/năm. Khoảng 80% sản lượng được xuất khẩu sang Trung Quốc; còn lại tiêu thụ nội địa và một số xuất sang thị trường Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Indonesia, Singapore...
Ông Bùi Đăng Hưng, Chủ tịch Hiệp hội thanh long Bình Thuận, cho biết: từ trước đến nay, Trung Quốc vẫn là thị trường tiêu thụ phần lớn thanh long của Bình Thuận. Thế nhưng thị trường này tiềm ẩn nhiều rủi ro và liên tục biến động. Hơn nữa, hiện Trung Quốc đã bắt đầu trồng thanh long tại nước họ với quy mô lớn thì vấn đề xuất khẩu sang Trung Quốc sẽ càng trở ngại hơn.
Cũng theo ông Hưng, gần một tháng qua, thanh long Bình Thuận rớt giá thê thảm do thương lái tung tin Trung Quốc sẽ đóng cửa thị trường. “Tuy nhiên, hiện giao thương giữa hai bên qua các cửa khẩu vẫn diễn ra bình thường”- ông Hưng nói.
Theo chị Nguyễn Thị Vân, một chủ vườn thanh long ở huyện Hàm Thuận Nam, khi thương lái tung tin đồn đóng cửa khẩu và liên tục ép giá, thanh long loại đẹp giờ chỉ còn khoảng 6.000 đồng/ kg (giảm hơn 50%), loại thường chỉ còn 3.000 đồng/kg (giảm gần 40%). “Mua bán với thương lái chuyên xuất sang Trung Quốc là vậy đó. Họ thường tung tin dỏm để ép giá. Nông dân chúng tôi luôn bị thiệt thòi...”- nhiều nhà vườn thanh long ở Bình Thuận than vãn.
Thị trường mới còn xa lắm
Việt Nam vinh dự là quốc gia đầu tiên và duy nhất được cấp phép xuất khẩu thanh long sang New Zealand. Thế nhưng rào cản kỹ thuật về dịch hại và vệ sinh an toàn thực phẩm của nước này cực kỳ khắt khe, rất ít doanh nghiệp đáp ứng được. Thanh long nhập khẩu vào thị trường New Zealand phải bảo đảm sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP và phải qua xạ nhiệt.
Hiện nay, theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bình Thuận, tổng diện tích thanh long toàn tỉnh gần 22.000 ha nhưng chỉ khoảng 7.500 ha được cấp chứng nhận VietGAP, 222 ha được cấp chứng nhận GlobalGAP. Toàn tỉnh có 206 cơ sở kinh doanh trái thanh long nhưng chỉ có 23 cơ sở được cấp chứng nhận bảo đảm an toàn thực phẩm.
“Trước đây, Chile đồng ý nhập khẩu thanh long Bình Thuận nhưng khi xuất được một container thì bị vướng chất lượng sản phẩm nên đã bỏ thị trường này 2 năm nay”- ông Hưng cho biết.
Nói về vai trò của Hiệp hội Thanh long trong việc xuất khẩu trái thanh long vào thị trường mới, ông Hưng cho rằng thiếu hành lang pháp lý để hoạt động. Toàn tỉnh có khoảng 252 doanh nghiệp thu mua trái thanh long nhưng chỉ có 50 đơn vị vào hiệp hội. “Các doanh nghiệp vẫn tự kiếm thị trường, thỏa thuận mua bán, chỉ khi nào bị thiệt thòi mới “cầu viện” hiệp hội bảo vệ quyền lợi”- ông Hưng chia sẻ.
Bà Trần Thị Phương, chủ doanh nghiệp Liên Phương, huyện Hàm Thuận Nam, nhận xét: Thị trường New Zealand nghe hấp dẫn nhưng quá nhiều yêu cầu khắt khe; đầu tư nhà xưởng, máy móc hiện đại rất tốn kém... nên doanh nghiệp khó đáp ứng được.
Tỉ lệ hao hụt rất cao
Theo các chuyên gia nông nghiệp, quả thanh long có tuổi thọ khoảng 40 ngày. Khi qua chiếu xạ, quả thanh long nhanh bị thối hơn, đồng thời chất lượng cũng sẽ bị giảm. Trong khi đó, từ khi thu hoạch, phân loại, chiếu xạ, đóng gói và vận chuyển với quãng đường khá xa, chắc chắn khi đến thị trường nước bạn cũng đã gần hết “vòng đời” quả thanh long nên tỉ lệ hao hụt sẽ rất cao.
|
Theo Người Lao Động