Ngày 12/12/2012, tại thành phố Hồ Chí Minh, Ủy ban Quốc gia Hợp tác Kinh tế Quốc tế phối hợp với Trung tâm Hỗ trợ Hội nhập WTO TP.HCM tổ chức hội thảo "Hội nhập kinh tế quốc tế, tận dụng các FTA để xuất khẩu (XK) sang các đối tác và khu vực - trường hợp điển hình thị trường Hàn Quốc ".
Trình bày tại hội thảo, PGS.TS Nguyễn Văn Nam, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thương mại cho rằng trong bối cảnh mới, hội nhập kinh tế quốc tế đầy đủ vừa là cơ hội, vừa là thách thức đối với Việt Nam, Nhà nước cần hoàn thiện luật pháp, thể chế theo định hướng thị trường và phù hợp với luật pháp quốc tế; nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý; có chính sách xây dựng đội ngũ làm doanh nghiệp (DN) nhằm nâng cao nội lực, tính cạnh tranh, bình đẳng, nuôi dưỡng DN đầu đàn.
Các địa phương cần cải thiện môi trường kinh doanh, công khai minh bạch; lựa chọn chiến lược phát triển đúng đắn; cạnh tranh bằng ưu việt, không phải ưu đãi. Riêng các DN cần đầu tư nội lực, SXKD theo chuỗi giá trị và tham gia chuỗi giá trị hàng hóa toàn cầu, đặc biệt khi tham gia thị trường quốc tế, các doanh nghiệp cần thâm nhập bài bản, hiệu quả; vừa mở rộng, vừa chuyên sâu, chú trọng đầu tư lớn cho thâm nhập thị trường Trung Quốc.
Ông Chu Quốc Thắng, Phó Vụ trưởng Vụ châu Á-Thái Bình Dương (Bộ Công Thương) cho rằng quan hệ đối tác hợp tác chiến lược Việt Nam – Hàn Quốc sẽ sớm giúp hoàn thành mục tiêu đưa kim ngạch thương mại song phương lên mức 20 tỷ USD trước năm 2015 và hướng tới mục tiêu 30 tỷ USD vào thời gian tới. Từ năm 2000 đến 2011, Việt Nam XK sang Hàn Quốc tăng 13 lần, nhập khẩu (NK) từ Hàn Quốc tăng 7,6 lần. Năm 2011, Hàn Quốc là đối tác thương mại lớn thứ tư của Việt Nam. Việt Nam là thị trường XK lớn thứ 8 của Hàn Quốc.
Theo ông Thắng, đến nay, Hàn Quốc là nước cung cấp ODA lớn thứ 2 cho Việt Nam, khoảng 1,4 tỷ USD. Hàn Quốc là thị trường quan trọng hàng đầu của VN về XK lao động. Tính đến năm 2011, có khoảng 60.000 người lao động VN làm việc tại Hàn Quốc.
Bà Trịnh Nam Phương, đại diện Hiệp hội Chế biến và XK thủy sản (VASEP) cho biết, Hàn Quốc là nhà NK thủy sản lớn thứ 4 của ngành thủy sản Việt Nam sau Mỹ, EU và Nhật Bản. Trong 10 tháng đầu năm 2012, thị trường này NK 412,490 triệu USD, tăng 8% so với cùng kỳ năm 2011, chủ yếu là các mặt hàng mực – bạch tuộc, nhuyễn thể hai mảnh vỏ, tôm,... Đây cũng chính là thị trường tiêu thụ lớn thứ hai về mực – bạch tuộc của Việt Nam sau Nhật Bản.
Trước những rào cản kỹ thuật khắt khe của 3 nước NK thủy sản hàng đầu, Hàn Quốc là thị trường tiềm năng đối với thủy sản Việt Nam. Năm 2011, Việt Nam đứng thứ ba thế giới về XK thủy sản sang thị trường Hàn Quốc với tổng kim ngạch 477 triệu USD, chỉ sau Trung Quốc (1,17 tỳ USD) và Liên bang Nga (661 triệu USD). Tổng giá trị thủy sản chế biến NK vào Hàn Quốc năm 2011 đạt 594,096 triệu USD, tăng so với 425,178 triệu USD của năm 2010. Dẫn đầu về giá trị là Trung Quốc với 145,5 triệu USD, tiếp đến Việt Nam 90,2 triệu USD và Thái Lan đạt 82,7 triệu USD.
Theo thuongmai.vn