Ngày 15-3, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) Đinh La Thăng đã đề nghị như vậy tại cuộc họp của Bộ GTVT với đại diện Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) và các công ty tư vấn về báo cáo nghiên cứu cho các dự án đường sắt tốc độ cao, cải tạo tuyến đường sắt Bắc - Nam.
Bộ trưởng Đinh La Thăng nhìn nhận dù hạ tầng đường sắt lạc hậu nhưng trong điều kiện đất nước còn nghèo thì không thể thay mới ngay tuyến đường sắt hiện tại. Vì vậy, vẫn cần giữ hệ thống đường sắt khổ 1m hiện nay và từng bước nâng cấp để tốc độ hành trình tàu khách đạt 90 km/giờ và tàu hàng đạt 60 km/giờ.
Về chủ trương phát triển tuyến đường khổ 1,435 m có tốc độ chạy tàu đạt 160-200 km/giờ, Bộ trưởng Đinh La Thăng cho biết sẽ báo cáo Chính phủ để Chính phủ trình Quốc hội xin chủ trương.
Theo kịch bản nghiên cứu của đoàn công tác JICA, nếu thực hiện phương án cải tạo đường sắt Bắc - Nam hiện nay đạt tốc độ chạy tàu 90 km/giờ thì thời gian từ Hà Nội - TP.HCM còn 25,4 giờ, ước tính chi phí đầu tư 1,8 tỉ USD. Riêng đường sắt cao tốc, phía JICA đề xuất nên xây dựng các đoạn thí điểm ngắn kết nối với đô thị như Thủ Thiêm - Long Thành, Ngọc Hồi - Phủ Lý vào năm 2021 để vận hành thí điểm và phục vụ đào tạo. Sau đó sẽ ưu tiên xây dựng đoạn TP.HCM - Nha Trang (hoàn thành vào năm 2030), đoạn Hà Nội - Vinh (hoàn thành vào năm 2035). Các đoạn còn lại sẽ xây dựng trước và sau năm 2040. Việc phân kỳ đầu tư như trên mới có khả năng bố trí được ngân sách.
* Tiếp tục đẩy mạnh tiến độ các dự án lắp đặt dải phân cách cứng tại các đoạn tuyến quốc lộ trọng điểm để phòng tránh tai nạn giao thông do ôtô va chạm, đối đầu; tách làn phương tiện ôtô và môtô, xe máy ở những đoạn tuyến quốc lộ phù hợp. Đó là một trong những nội dung cụ thể được đưa ra trong chương trình hành động của Bộ GTVT đối với công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa và khắc phục ùn tắc giao thông.
Theo Tuổi Trẻ