Lượng đường tồn kho lại đã lên mức trên 500 ngàn tấn và sẽ không ngừng tăng trong tháng chính vụ.
Theo Hiệp hội Mía đường Việt Nam, tháng 2 vừa rồi là tháng chính vụ, nên dù thời gian nghỉ Tết kéo dài, nhưng sản xuất đường trong tháng trên cả nước vẫn đạt 248.762 tấn.
Lũy kế từ đầu vụ đến 28/2/2014, các nhà máy đường (NMĐ) đã ép được 10.719.515 tấn mía, sản xuất được 1.000.372 tấn đường.
Bên cạnh đó, còn có lượng đường được sản xuất từ đường thô của NMĐ luyện Biên Hòa là 53.735 tấn, và Cty NIVL là 14.669 tấn. Như vậy, tổng lượng đường các NMĐ sản xuất được là 1.070.776 tấn.
Điều đáng nói là mới chỉ có hơn 1 nửa sản lượng đường nói trên được tiêu thụ, bởi hiện có tới gần nửa sản lượng đường đang bị tồn kho.
Cụ thể, đến hết tháng 2, tồn kho tại các NMĐ là 502.897 tấn, tại các công ty thương mại thuộc Hiệp hội là 11.158 tấn.
Vừa bị tồn kho lớn, ngành đường vừa phải chịu áp lực giảm giá từ thị trường đường thế giới lẫn giá đường nhập lậu.
Giá đường Thái Lan nhập lậu vào Việt Nam cũng giảm. Ngày 3/3, tại biên giới Tây Nam, giá đường Thái Lan nhập lậu là 11.500 - 11.600 đ/kg; tại TP.HCM từ 12.100 - 12.200 đ/kg; tại Lao Bảo 12.200 đ/kg; tại Đông Hà 12.400 đ/kg.
Áp lực tồn kho và giá đường lậu đã khiến cho giá đường bán buôn ngày 3/3 do một số nhà máy bán ra chỉ còn trên dưới 12.000 đ/kg.
Mức giá này thấp hơn so với giá của 1 tuần trước đó (nằm trong khoảng từ 12.000 - 13.000 đ/kg). Và so với tháng 1, giá đường kính trắng trong tháng 2 đã giảm khá nhiều. Ở thị trường TP.HCM giảm 300 - 500 đ/kg, ở Hà Nội giảm 600 - 800 đ/kg và ở miền Trung giảm 800 - 1.000 đ/kg.
Tháng 3 tiếp tục là tháng chính vụ, nên sản lượng đường do các nhà máy sản xuất ra sẽ khá lớn, vào khoảng 300.000 tấn. Trong khi đó, tình hình tiêu thụ đường trong nước đang khá yếu. Chính vì thế, XK sang Trung Quốc vẫn là lối ra quan trọng cho ngành mía đường hiện nay, nhất là trong bối cảnh sản lượng đường ở nước này dự kiến sẽ thấp hơn nhiều so với nhu cầu.
Dự báo mới nhất cho thấy cả niên vụ 2013/2014, ngành mía đường Trung Quốc sẽ sản xuất được 14,2 triệu tấn. Như vậy, nếu so với dự báo cuối năm 2013, thì sản lượng đường của Trung Quốc trong dự báo nói trên thấp hơn khoảng 600 ngàn tấn.
Nếu so với nhu cầu tiêu dùng 16,3 triệu tấn, thì sản lượng đường của Trung Quốc trong niên vụ này có thể thấp hơn tới 2,1 triệu tấn. Do đó, năm nay, Trung Quốc sẽ tiếp tục NK đường với khối lượng lớn.
Đây là cơ hội tốt để ngành mía đường Việt Nam có thể giảm áp lực tồn kho bằng cách XK đường sang bên kia biên giới.
Điều đáng chú ý là trong khi giá đường bán buôn do các nhà máy bán ra đang giảm, thì giá đường XK sang Trung Quốc lại tăng nhẹ.
Ngày 24/2, đường RS XK sang Trung Quốc có giá 12.700 đ/kg, thì đến ngày 3/3 đã tăng lên thành 13.100 đ/kg. Vì thế, theo ông Nguyễn Hải, Tổng thư ký Hiệp hội Mía đường Việt Nam, nếu việc xuất khẩu tiểu ngạch sang Trung Quốc được giải quyết tốt thì cũng sẽ hỗ trợ cho việc cải thiện giá đường trong nước.
Hồi tháng 1 năm nay, Bộ Công thương đã đồng ý cho 10 DN tiến hành XK sang Trung Quốc 200 ngàn tấn đường RS đến hết tháng 6/2014.
Sở dĩ Bộ Công thương mới chỉ cho phép XK đường RS mà chưa cho XK đường RE là vì còn chờ cân đối nhu cầu trong nước. Trong khi đó, sản lượng đường RE trong niên vụ này sẽ khá nhiều, khoảng 600 ngàn tấn.
Mặt khác, trong hạn ngạch hơn 77 ngàn tấn đường mà Việt Nam phải NK trong năm nay theo thỏa thuận WTO, thì hầu hết là đường RE. Thành ra, tổng lượng đường RE trên thị trường nội địa sẽ vượt xa nhu cầu của các DN sử dụng loại đường này.
Để tận dụng thời cơ khi Trung Quốc đang cần NK đường với khối lượng lớn, Hiệp hội Mía đường vừa đề nghị Bộ NN-PTNT trao đổi với Bộ Công thương cho XK không phân biệt đường RS hay RE. Hoặc trước mắt cho xuất khẩu 200.000 tấn đường RE ngoài số lượng đường RS đã được phép XK trong năm 2014.
Theo Báo Công thương