Đến hết năm 2012, Việt Nam mới chỉ đứng thứ 6 trong danh sách các nhà đầu tư nước ngoài tại Campuchia.
Trong bối cảnh kinh tế thế giới và khu vực còn nhiều khó khăn, Campuchia tiếp tục nổi lên là một trong những điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài khi duy trì được tốc độ tăng trưởng ổn định.
Theo dự báo của Chính phủ Campuchia cũng như các thể chế tài chính quốc tế, năm 2013 kinh tế Campuchia có thể tăng trưởng 7%. Đây là điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp Việt Nam yên tâm đầu tư lâu dài tại Campuchia, cải thiện vị trí của các nhà đầu tư Việt Nam tại một thị trường láng giềng quan trọng.
Trong năm 2012, kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Campuchia tăng 17%, đạt mức 3,3 tỷ USD. Việt Nam trở thành đối tác thương mại lớn thứ hai của Campuchia.
Tuy nhiên, đến hết năm 2012, Việt Nam chỉ đứng thứ 6 trong danh sách các nhà đầu tư nước ngoài tại Campuchia, với tổng số vốn đầu tư hiện vào khoảng trên 1,2 tỷ USD. Riêng trong năm 2012, số vốn đầu tư mới của các doanh nghiệp Việt Nam vào Campuchia đạt gần 86 triệu USD, tập trung vào các lĩnh vực nông nghiệp, tài chính - ngân hàng...
Trong buổi gặp mặt hàng năm sáng 21/3 do Đại sứ quán Việt Nam tại Campuchia chủ trì tổ chức, đại diện các doanh nghiệp Việt Nam tại Campuchia đều chia sẻ nhận định, cơ hội đầu tư tại Campuchia trong năm 2013 và những năm tiếp theo là rất sáng sủa. Tuy nhiên, các doanh nghiệp Việt Nam cần phải nỗ lực nhiều hơn nữa nếu muốn cải thiện vị trí của mình trong danh sách các nhà đầu tư nước ngoài tại Campuchia, tương xứng với mối quan hệ hợp tác toàn diện giữa hai nước.
Chị Phạm Phương Dung, một chủ doanh nghiệp Việt Nam thành công tại Campuchia chia sẻ, điều quan trọng nhất là đối với các doanh nghiệp Việt Nam là phải tìm hiểu kỹ thị trường, ý thức được những thuận lợi và khó khăn khi đầu tư vào Campuchia.
"Theo cách nhìn của tôi, nếu doanh nghiệp chủ động nắm được cơ hội ở Campuchia bằng những gì họ chưa có hoặc có nhưng không tốt lắm, nếu mình làm tốt hơn sẽ thành công. Bên cạnh đó, cần tạo ra sự khác biệt, nếu khách hàng chấp nhận sẽ thành công hoặc khách hàng không chấp nhận vì mình khác biệt quá thì phải nghiên cứu làm sao cho khách hàng chấp nhận" - chị Phạm Phương Dung chia sẻ.
Kinh tế Campuchia hiện đang được kỳ vọng tiếp tục tăng trưởng ổn định dựa trên bốn trụ cột là xuất khẩu hàng may mặc - da giầy, du lịch, nông nghiệp và xây dựng. Trong đó, Chính phủ Campuchia sẽ tập trung thúc đẩy mạnh lĩnh vực du lịch và khai thác tối đa tiềm năng của ngành nông nghiệp, như đẩy mạnh sản xuất, chế biến gạo xuất khẩu và các sản phẩm nông nghiệp khác.
Theo Báo Điện tử Đài Tiếng nói Việt Nam