Theo Tổ chức Nông Lương Liên Hiệp Quốc (FAO), giá cá thế giới tăng lên mức cao kỷ lục trong tháng 5/2013 do nhu cầu cao đối với cá hồi và nguồn cung cá ngừ giảm sút.
Chỉ số giá cá của FAO tháng 5/2013 đạt 168 điểm, tăng 6,3% so với một năm trước đó.
Năm vừa qua, giá những loài cá nuôi thả như cá hồi tăng nhanh hơn so với cá đánh bắt tự nhiên. Sản lượng thủy sản nuôi thả dự báo tăng 5,6% trong năm 2013, trong khi sản lượng đánh bắt tự nhiên có thể tăng 0,9%.
“Nhu cầu cá hồi mạnh mặc dù giá tăng cao bởi có sự thay đổi cơ bản về nhu cầu của người tiêu dùng, mở ra triển vọng khả quan cho người sản xuất cá hồi”, báo cáo của FAO viết. “Mặc dù giá cao kỷ lục, nhu cầu cá ngừ vẫn mạnh.”
Những yếu tố cơ bản nhất thúc đẩy nhu cầu cá tăng là xu hướng đô thị hóa mở ra nhiều siêu thị và điểm bán cá hơn, nhu cầu gia tăng ở những thị trường mới nổi và đang phát triển, nhất là Trung Quốc. Tiêu thụ cá thực phẩm trên toàn cầu dự báo sẽ tăng lên 19,7 kg/người năm 2013 từ mức 19,2 kg/người năm 2012. Người tiêu dùng đang có xu hướng gia tăng ăn cá nuôi thả, vừa có lợi cho sức khỏe, vừa có giá rẻ hơn so với cá đánh bắt tự nhiên.
Tổng sản lượng cá dự báo sẽ tăng 2,9% lên 161,2 triệu tấn trong năm nay, so với 156,7 triệu tấn năm ngoái, với sản lượng nuôi thả tăng lên 70,2 triệu tấn từ mức 66,5 triệu tấn năm ngoái. Trị giá xuất khẩu cá dự báo tăng 2% lên 130,8 tỷ USD trong năm nay, sau khi tăng 0,5% lên 128,2 tỷ USD năm 2012.
Theo FAO, khủng hoảng kinh tế kéo dài ở những thị trường nhập khẩu thủy sản chủ chốt tại Bắc Âu và Bắc Mỹ khiến nhu ầu nhập khẩu thủy sản tăng trưởng chậm chạp. Tuy nhiên nhu cầu đối với những sản phẩm đặc biệt như cá hồi và cá ngừ vẫn mạnh mẽ. Mậu dịch trong ngành cá dự báo sẽ đạt 130 tỷ USD vào cuối năm 2013.
Chỉ số giá cá hồi của FAO tháng 5 là 195 điểm, tăng so với 186 của tháng 4, và so với 156 của tháng 5/2012. Chỉ số giá cá ngừ đạt 221 điểm, không thay đổi so với tháng trước đó, song tăng mạnh so với 198 của tháng 5/2012.
Cung cá ngừ cho các hãng đóng hộp châu Á giảm trong năm nay, khiến giá cá đóng hộp cũng bị đẩy lên cao. Thị trường cá ngừ sashimi của Nhật vững ngay từ đầu năm 2013, trong khi thị trường cá ngừ tươi Hoa Kỳ luôn ổn định với mức giá 2.000 USD/tấn.
Theo FAO, trong những tháng tới, nguồn cung một số loài thủy hải sản đặc biệt khan hiếm chắc chắn sẽ khiến giá duy trì ở mức cao. “Rõ ràng giá cá ngừ cao kỷ lục không làm ảnh hưởng tới nhu cầu nhập khẩu ở những thị trường chính. Giá cá ngừ dự báo sẽ tiếp tục ổn định ở mức cao bởi nguồn cung thấp hơn so với nhu cầu”, FAO cho biết.
Nhu cầu của Trung Quốc và các nước châu Á khác đối với các loài cá hồi, ốc sò và nhiều đặc sản khác liên tục gia tăng, trong khi nguồn cung giảm sút do dịch bệnh và chi phí thức ăn cho cá tăng cao. Thói quen ăn uống của người Trung Quốc đang thay đổi rất nhanh, với nhu cầu thịt, tôm, cá ngừ, hàu tăng mạnh.
Sản lượng cá hồi nuôi thả trên toàn cầu năm nay dự báo ít thay đổi, ở mức 2,01 triệu tấn, trong đó sản lượng ở Na uy – nước sản xuất lớn nhất thế giới – sẽ giảm 2,3% xuống 1,05 triệu tấn. Trung Quốc được dự báo sẽ vẫn là nước sản xuất cá rô phi lớn nhất thế giới, và là nước cung cấp lớn nhất cho thị trường châu Âu.
Theo vinanet