Các quan chức chính phủ, lãnh đạo các doanh nghiệp và đại diện của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) ngày 17/6 đã gặp nhau tại Bangkok (Thái Lan) trong một hội nghị kéo dài 4 ngày để thảo luận về các biện pháp làm cho các nền kinh tế của khu vực Tiểu vùng Mekong mở rộng (GMS) thân thiện hơn với môi trường.
Theo một báo cáo do WWF công bố vào tháng trước, GMS đang đối mặt trước những đe dọa nghiêm trọng đối với các nguồn tài nguyên thiên nhiên chủ chốt của mình, bao gồm mối đe dọa mất hơn một phần ba diện tích rừng bao phủ còn lại trong vòng hai thập kỷ tới và khả năng sụp đổ của hệ sinh thái sông Mekong.
Ông Javed Mir, Trưởng ban Tài nguyên thiên nhiên và Môi trường thuộc Vụ Đông Nam Á của ADB phát biểu: “Một tương lai phát triển có lượng phát thải khí các-bon thấp và đồng đều về mặt xã hội là yếu tố cần thiết để bảo vệ các nguồn tài nguyên thiên nhiên của tiểu vùng, từ đó đảm bảo sự tăng trưởng kinh tế trong dài hạn.” Điều này có thể dẫn tới việc xem xét lại các hệ thống ra quyết định về chính sách và đầu tư trong khu vực cũng như xây dựng các mối quan hệ đối tác công-tư hiệu quả để củng cố các phúc lợi kinh tế của người dân.
Khoảng 100 đại biểu sẽ tham dự hội thảo với chủ đề “Các cơ hội cho Quản lý Tài sản từ Thiên nhiên”. Hội thảo sẽ đề cập đến công nghệ sạch, các cách tiếp cận để xác định giá trị tài sản từ thiên nhiên và các công cụ tài chính để thúc đẩy các dự án đầu tư thân thiện với môi trường.
Hoạt động này là một sáng kiến của Tổ chức Liên danh Cung cấp Các Lựa chọn Sử dụng Đất Bền vững (OSLO-Offering Sustainable Land-Use Options Consortium) và được đồng tổ chức bởi Chương trình Môi trường Nòng cốt GMS của ADB, Tổ chức Nông Lương, Cơ chế Toàn cầu của Công ước Liên Hiệp Quốc về Đấu tranh Chống lại Hiện tượng Sa mạc hóa, Sáng kiến Môi trường- Giảm nghèo của Chương trình Phát triển và Môi trường Liên Hiệp Quốc, WWF-Tiểu vùng Mekong với sự hỗ trợ của Chính phủ Na Uy và Sáng kiến Nghiên cứu Kinh tế của Hiện tượng Suy thoái Đất.
Sáu quốc gia trong khu vực GMS bao gồm Cam-pu-chia, Trung Quốc (tỉnh Vân Nam và Khu tự trị Dân tộc Choang Quảng Tây), Lào, Myanmar, Thái Lan và Việt Nam.
THỦY NHI