Một trong những cản trở lớn với việc phát triển thương mại giữa hai nước là cơ sở hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông đường bộ.
Chiều 10/6, tại Hà Nội, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam phối hợp với Sở Thương mại tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc tổ chức Diễn đàn thúc đẩy hợp tác toàn diện kinh tế thương mại Việt Nam – Trung Quốc.
Năm ngoái, kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam – Trung Quốc đạt hơn 40 tỷ USD, dự kiến, sẽ nâng lên 60 tỷ USD vào năm 2015. Hàng hóa xuất khẩu chính của Việt Nam sang Trung Quốc gồm: nông, lâm, thủy hải sản, công nghiệp chế biến, khoáng sản. Hàng nhập khẩu từ Trung Quốc chủ yếu là: nguyên, nhiên vật liệu, vật tư đầu vào cho sản xuất; máy móc, thiết bị, phương tiện vận tải, hàng điện tử, thực phẩm, hàng tiêu dùng... Tuy nhiên, kết quả hợp tác kinh tế Việt – Trung vẫn chưa tương xứng với tiềm năng và kỳ vọng của hai nước.
Phát biểu tại diễn đàn, ông Khổng Huyễn Hựu, Đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam cho biết: Để thu hút càng nhiều doanh nghiệp Trung Quốc, mong phía Việt Nam tiếp tục dành sự ủng hộ cần thiết cho doanh nghiệp Trung Quốc đầu tư tại Việt Nam, bao gồm những dự án trọng điểm như KCN Thâm Quyến – Hải Phòng, KCN Long Giang...
Phía Trung Quốc sẽ phối hợp chặt chẽ với phía Việt Nam thúc đẩy xây dựng các cơ sở hạ tầng giao thông, xây dựng hạ tầng cửa khẩu, nâng cao hiệu quả thông quan, trình độ tiện lợi hóa mậu dịch. Hai bên Trung - Việt sẽ tăng cường hơn nữa sự liên hệ và hợp tác theo hướng lành mạnh và có trật tự.
Theo Viện Chiến lược Phát triển, Bộ KH-ĐT Việt Nam, một trong những cản trở lớn nhất hiện nay đối với việc phát triển thương mại giữa hai nước là cơ sở hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông đường bộ của nước ta còn nhiều hạn chế. Hầu hết các cửa khẩu biên giới phía Việt Nam, cơ sở vật chất kỹ thuật thương mại còn yếu kém, lạc hậu; thủ tục hành chính, cơ chế chính sách còn bất cập, chưa tạo ra hành lang thuận lợi, khuyến khích doanh nghiệp phát triển.
Ông Hoàng Ngọc Phong, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược Phát triển cho rằng: Để thúc đẩy hợp tác giữa Việt Nam và Trung Quốc trong các dự án phát triển cơ sở hạ tầng trọng điểm thuộc khu vực "Hai hành lang một vành đai", hai bên cần tăng cường hiểu biết về nhu cầu, năng lực hợp tác của nhau, trên cơ sở đó đề xuất lộ trình, hình thức hợp tác phù hợp, hiệu quả. Các dự án trọng điểm hợp tác Việt – Trung trong khu vực cần phải được đặt trong tầm nhìn chiến lược, trong mối liên kết Trung Quốc – Việt Nam – ASEAN.
Hai bên cần xác định một số công trình trọng điểm thuộc "Hai hành lang một vành đai" để sớm triển khai như: tuyến đường cao tốc Lạng Sơn – Hà Nội, Hà Nội – Hạ Long – Móng Cái...
Theo VOV