Nhập siêu tăng liên tiếp trong những tháng qua được xem là điều đáng khích lệ đối với nền kinh tế. Tuy nhiên, cũng không nên vội mừng khi nhập siêu đột ngột tăng sốc bởi tiềm ẩn trong nó có không ít rủi ro.
Tháng 5/2013, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước đạt 12 tỷ USD, tăng 9,4% so với tháng 4 và tăng 16,0% so với cùng kỳ năm 2012; tính chung 5 tháng, kim ngạch nhập khẩu ước đạt 51,86 tỷ USD, tăng 16,8% so với cùng kỳ. Cán cân thương mại tháng 5 có mức nhập siêu 1,2 tỷ USD, bằng 11,1% tổng kim ngạch xuất khẩu và 5 tháng đầu năm nhập siêu 1,92 tỷ USD, bằng 3,85% tổng kim ngạch xuất khẩu. Nhiều ý kiến cho rằng, nhập khẩu tăng ở thời điểm này là dấu hiệu tốt của nền kinh tế, chứng tỏ sản xuất của các DN đã có những tín hiệu phục hồi.
Theo thống kê của Bộ Công Thương, kim ngạch của nhóm hàng cần nhập khẩu 5 tháng qua ước đạt gần 45,9 tỷ USD, tăng 17,6% và chiếm tỷ trọng 88,5%, trong đó hầu hết nguyên liệu của ngành công nghiệp chế biến như dệt may, thép, sản phẩm điện tử và linh kiện, thiết bị dụng cụ, dây và cáp điện... đều có mức tăng trên, dưới 15% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, kim ngạch của nhóm hàng hạn chế nhập khẩu cũng tăng tới 10,7%, ước đạt 2,3 tỷ USD, trong đó mặt hàng điện thoại di động tăng 15,2%; kim ngạch nhập khẩu của nhóm hàng hóa khác tăng cao tới 29,7%, ước đạt 1,92 tỷ USD. Ngoài ra, nếu xét cơ cấu từng nhóm hàng xuất khẩu như lĩnh vực sản xuất điện thoại, linh kiện điện tử, dệt may luôn tăng khá còn các mặt hàng chủ lực tác động đến nhiều DN trong nước và người lao động lại giảm hoặc tăng thấp. Đơn cử xuất khẩu nông, lâm, thủy sản ước đạt gần 7,92 tỷ USD, giảm 8,5% trong đó, những mặt hàng chủ lực như thủy sản, gạo, sắn, cà phê hay cao su có mức giảm từ 2,5 - 26,7%.
Rõ ràng là nguyên liệu nhập khẩu tăng phần lớn để phục vụ gia công hàng xuất khẩu, ít mang lại giá trị gia tăng cho nền kinh tế, nhập siêu đến thời điểm này dù là dấu hiệu để đánh giá sự phục hồi của các DN nhưng cũng chưa phản ánh đúng cục diện của nền kinh tế.
Ông Trần Đông Phong- Phó Vụ trưởng Vụ Công nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) - cho rằng: "Phải nhìn tổng thể từ cơ cấu các mặt hàng nhập khẩu mới có thể đánh giá đúng tác động của nhập siêu đối với nền kinh tế. Ngoài ra, nếu nhập siêu tăng do xuất khẩu giảm (cả về giá hay về lượng) thì cũng là điều đáng lo ngại".
Giá trị gia tăng giữa nhập khẩu và xuất khẩu của các nhóm DN cũng khác nhau, càng làm cho những lo ngại việc tăng nhập siêu không hẳn đã tác động tốt đến phục hồi kinh tế mà còn tiềm ẩn hạn chế tới việc cải thiện cán cân thanh toán quốc tế, dự trữ ngoại hối, tỷ giá. Thậm chí, mục tiêu kiềm chế nhập siêu ở mức 8% sẽ khó thực hiện nếu tốc độ nhập khẩu cứ tăng nhanh như hiện nay.
Theo Báo Công Thương Điện Tử
|