Bộ trưởng Ngoại thương Pháp Nicole Bricq nhấn mạnh, Việt Nam là một trong những quốc gia ASEAN được Pháp ưu tiên chích sách thúc đẩy thương mại trong thời gian tới.
Khởi động tại TP HCM vào ngày 8 và kéo dài đến hết ngày 11/4, Diễn đàn doanh nghiệp Pháp - Việt được xem như sự khởi đầu cho đợt đổ bộ của doanh nghiệp Pháp vào thị trường Việt Nam năm 2013.
Bộ trưởng Ngoại thương Nicole Bricq cho hay, thời gian tới, Pháp sẽ đầu tư nhiều hơn để tiếp cận thị trường Việt Nam, đặc biệt là các ngành sản xuất và phát triển các sản phẩm xuất khẩu sang nước khác. "Các doanh nghiệp SME (vừa và nhỏ) của Pháp có thể mang đến những giải pháp đáp ứng cho nhu cầu tiêu thụ của người tiêu dùng Việt Nam", bà Nicole Bricq nói.
Ngoài sản xuất, các doanh nghiệp Pháp cũng mong muốn tham gia vào một số dự án lĩnh vực cơ sở hạ tầng về vận tải, giao thông, hay xử lý nước tại Việt Nam. Bà Nicole Bricq cho hay, các lĩnh vực hai nước có thể hợp tác gồm: dược phẩm, tài chính, ngân hàng, mỹ phẩm, thời trang, đào tạo nhân lực và nông nghiệp…
Theo Phòng Thương mại Pháp tại Việt Nam (CCIFV), năm 2012 đã có 1.200 doanhh nghiệp SME của Pháp xuất khẩu sang Việt Nam. Trong thời gian tới, các doanh nghiệp Pháp phải đi ra khỏi lãnh thổ Pháp và Châu Âu để tìm các vùng đất mới có tiềm năng đầu tư, mở rộng hoạt động kinh doanh. Việt Nam được đánh giá là thị trường nhiều tiềm năng và cơ hội đối với doanh nghiệp Pháp.
Tại Diễn đàn, Công ty cổ phần ô tô Trường Hải (THACO) và công ty PEUGEOT (Pháp) đã ký kết hợp đồng chuyển giao công nghệ sản xuất xe Peugeot và Hợp đồng hợp tác phân phối độc quyền xe du lịch Peugeot tại Việt Nam.
Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Vũ Tiến Lộc cho biết nhiều tập đoàn lớn của Pháp đã hợp tác với các Công ty Việt Nam. Chẳng hạn như Tập đoàn Bưu chính Viễn thông (VNPT) hợp tác với France Telecom. Ngoài ra còn có Tập đoàn Hàng không Vũ trụ và Phòng thủ Châu Âu (EADS) đang nghiên cứu để triển khai xây dựng khu công nghiệp hàng không (lắp ráp linh kiện máy bay) tại Đà Nẵng...
"Hiện diện của các tập đoàn lớn của Pháp sẽ kéo theo các doanh nghiệp SME của Pháp đến Việt Nam đầu tư, đây là cơ hội để ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam cải thiện", ông Lộc nhận xét.
Thống kê của Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và đầu tư, đến quý I/2013, Pháp đứng vị trí thứ 16 trong danh sách các nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam với 383 dự án, tổng vốn đăng kí đầu tư là 3,1 tỷ USD.
Các lĩnh vực Pháp quan tâm và đầu tư tại Việt Nam gồm: thông tin và truyền thông (22%); sản xuất và phân phối điện, gas và nước (17%); công nghiệp chế biến (13%); nông nghiệp (6%); khách sạn và nhà hàng (6%); xây dựng (5%), các dịch vụ khác(19%).
Theo VnExpress