Giá một số mặt hàng thuộc nhóm hàng thực phẩm, may mặc, hóa mỹ phẩm, hàng tiêu dùng thiết yếu… tăng trung bình từ 5% - 15% dù sức mua rất yếu
Đã 4 ngày sau khi giá xăng dầu giảm thêm 410 đồng/lít, giá nhiều loại hàng hóa, dịch vụ vẫn không có xu hướng giảm, thậm chí một số mặt hàng còn tăng cao.
Đứng yên và… tăng đều
Các công ty kinh doanh dịch vụ taxi, vận tải đường dài, vận tải hàng hóa đều cho biết chưa thể giảm giá cước trong giai đoạn này. Ông Tạ Long Hỷ, Chủ tịch Hiệp hội Taxi TPHCM, cho biết cuối tháng 3, giá xăng tăng hơn 1.400 đồng/lít, các doanh nghiệp (DN) taxi gồng lưng gánh lỗ chứ không tăng giá cước. Từ đầu tháng 4 đến nay, giá xăng giảm 2 lần nhưng tổng cộng chỉ mới giảm gần 1.000 đồng/lít. Tính ra DN vẫn còn chịu lỗ hơn 400 đồng/lít xăng nên chưa thể giảm giá cước lúc này. “Hy vọng giá xăng có thể giảm nhiều hơn nữa cho DN đỡ thiệt thòi” - ông Hỷ nói.
Chị Trần Thi, chủ chuỗi cửa hàng tiện ích ở quận 12, cho biết gần như giá xăng giảm không ảnh hưởng gì hoặc làm chậm lại kế hoạch tăng giá của các DN. Hai tuần nay, nhiều nhà cung cấp hàng thông báo sẽ tăng giá trong đợt nhập hàng tới. Mới đây nhất, Unilever thông báo sẽ tăng giá bột giặt, dầu gội, nước rửa chén…, nhà cung cấp tã giấy Huggies cũng thông báo sắp áp dụng giá mới.
Một số mặt hàng sữa bột cũng tiếp tục tăng giá 5% -7%, đặc biệt là các dòng sản phẩm dành cho trẻ em, người bệnh. Sữa đậu nành Fami, đường Quảng Ngãi, mì gói, nước ngọt Pepsi, một số mặt hàng bánh kẹo của Bibica… cũng đã lần lượt tăng giá ít nhất 2% - 3%. “Sức mua chậm, giá tăng nhưng nhà cung cấp lại giảm chiết khấu, giảm chương trình khuyến mãi nên buôn bán èo uột lắm” - chị Thi than.
Các siêu thị trên địa bàn TPHCM cũng cho biết đã nhận thông báo tăng giá từ các nhà cung cấp hàng may mặc, hóa mỹ phẩm, hàng tiêu dùng thiết yếu… với mức tăng trung bình từ 5% - 10%. Lý do các nhà cung cấp đưa ra là chi phí đầu vào, nguyên liệu… tăng nên phải tăng giá bán.
Tại các chợ lẻ, giá một số mặt hàng rau củ, thực phẩm chế biến, hóa mỹ phẩm, hàng gia dụng… cũng đã nhích lên từ vài trăm đồng đến vài ngàn đồng/sản phẩm.
Khó thoát vòng luẩn quẩn
Phó Tổng Giám đốc một hệ thống bán lẻ tại TPHCM cho biết trong lúc sức mua yếu, thể hiện rõ qua doanh thu bán hàng. Hơn ai hết, nhà cung cấp biết rõ tăng giá là giảm thị phần ngay lập tức nên cực chẳng đã mới phải tăng. Không thể đặt vấn đề tại sao giá xăng đã giảm gần 1.000 đồng/lít mà giá hàng hóa không giảm, ngược lại còn tăng vì mức tăng hiện tại là do tác động của đợt tăng giá xăng cuối tháng 3. Cũng có thể trong chu kỳ sản xuất tiếp theo, giá sẽ giảm do ảnh hưởng của đợt giảm giá xăng vừa qua.
Trước đó, Tổ điều hành thị trường trong nước, Bộ Công Thương đã dự báo trong tháng 4 này, giá hàng tiêu dùng sẽ tăng nhẹ so với tháng 3. Nguyên nhân được đưa ra là ngoài sức ép tăng giá do dịch bệnh trên vật nuôi, khô hạn và xâm nhập mặn ảnh hưởng đến sản xuất, giá một số hàng hóa, dịch vụ tăng trong các dịp lễ thì tác động của việc tăng giá xăng dầu cuối tháng 3 cũng tác động đến giá cả.
Theo ông Huỳnh Văn Minh, Chủ tịch Hiệp hội DN TPHCM, hiện giá xăng đã giảm nhưng các yếu tố chính ảnh hưởng đến DN như cơ chế chính sách, lãi suất… vẫn chưa được cải thiện nên DN rất khó có thể giảm giá.
“Vòng luẩn quẩn tăng giá thì không bán được hàng, mất thị trường; giảm giá thì lỗ, không sản xuất kinh doanh được ngày càng siết chặt và bóp chết DN” - ông Minh nói.
Theo Người Lao Động