Nền kinh tế thế giới đang dần hồi phục nhưng chưa vững chắc, vẫn chứa đựng nhiều rủi ro khó lường. Chuẩn bị cho xuất khẩu thời kỳ hậu khủng hoảng nhằm tìm kiếm, mở rộng thị phần cho các sản phẩm, hàng hóa xuất khẩu, Hà Nội đã xác định phải tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại.
Mục tiêu thành đầu tàu về xuất khẩu
Năm 2013, kinh tế thế giới vẫn đang trong giai đoạn khó khăn. Ở Việt Nam, hơn 16.000 doanh nghiệp (DN) vừa và nhỏ đã phải đóng cửa trong những tháng đầu năm do khả năng tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng hạn chế cùng những khó khăn về chi phí đầu vào, sản phẩm đầu ra tiêu thụ chậm, nhất là hàng tồn kho tăng cao. Thực tế hiện nay, DN trong nước, đặc biệt là DN xuất khẩu, DN sản xuất, DN tại các làng nghề gặp rất nhiều vướng mắc, tình hình tiêu thụ kém dẫn đến ngưng trệ sản xuất. Vấn đề kích thích sản xuất và kích cầu tiêu dùng cũng là cách gián tiếp hỗ trợ cho DN.
Xác định lấy xuất khẩu làm đòn bẩy, đưa kinh tế Hà Nội phát triển, trở thành đầu tàu trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ, UBND TP. Hà Nội, trực tiếp là Sở Công Thương Hà Nội đã xây dựng chương trình xúc tiến thương mại (XTTM) quy mô, với mục tiêu đưa Hà Nội trở thành đầu tàu về xuất khẩu của khu vực trong liên kết vùng phía Bắc và cả nước.
Theo đó, Hà Nội sẽ tập trung đẩy mạnh xuất khẩu, dành sự quan tâm, ưu tiên hỗ trợ kinh phí XTTM cho việc xây dựng cơ sở hạ tầng để XTTM, và việc tìm đầu ra cho một số ngành hàng và dịch vụ trong nước có tiềm năng trở thành sản phẩm mũi nhọn cho nền kinh tế tri thức của Thủ đô trong giai đoạn tiếp theo như: Ngành hàng thuộc lĩnh vực công nghiệp sáng tạo, tận dụng được lợi thế chất xám của sản phẩm này làm tăng giá trị gia tăng của các hoạt động dịch vụ và ngành công nghiệp sản xuất của Hà Nội gồm: Chế biến sản phẩm nông nghiệp, thiết kế nội thất, công nghiệp đóng gói, công nghiệp cơ khí, công nghệ thông tin, công nghiệp phần mềm, dịch vụ logistic...
Mở rộng các hoạt động xúc tiến thương mại
Theo ông Phan Tiến Bình - Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội- với phương châm "Tổ chức những chương trình XTTM trọng tâm, trọng điểm có hiệu ứng, tiết kiệm", năm 2013, Hà Nội dành sự quan tâm, ưu tiên hỗ trợ kinh phí XTTM cho việc tìm đầu ra cho sản phẩm một số ngành hàng và dịch vụ có lợi thế cạnh tranh. Nhằm phát triển thị trường trong nước, kích cầu tiêu dùng. Chương trình XTTM năm 2013 sẽ tăng cường liên kết với các địa phương trong Vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ, tập trung triển khai những biện pháp kích cầu tiêu dùng, giúp DN giải phóng hàng tồn kho, có tài chính để trang trải, vượt qua những khó khăn của việc ngưng trệ sản xuất trong giai đoạn hiện nay. Ông Phan Tiến Bình cho biết: Trong 5 tháng đầu năm, Hà Nội đã tổ chức nhiều hội nghị XTTM mang lại hiệu ứng tích cực. Ngay trong Hội nghị XTTM giới thiệu sản phẩm chủ lực của tỉnh An Giang tại Hà Nội được tổ chức tháng 4/2013 với sự tham gia của gần 100 DN, nhiều hợp đồng kinh tế giữa DN Hà Nội và An Giang đã được ký kết, đồng thời phát triển hệ thống phân phối sản phẩm An Giang tại Hà Nội và các tỉnh vùng đồng bằng Bắc bộ...
Chương trình hỗ trợ XTTM tìm kiếm thị trường xuất khẩu thông qua các hội chợ triển lãm tại nước ngoài năm 2013 sẽ tăng cả về quy mô và chất lượng. Hà Nội tăng cường áp dụng chính sách hỗ trợ DN theo quy định hiện hành nhằm giúp sản xuất, xuất khẩu trong nước, tiêu thụ các sản phẩm, mặt hàng mới, tiềm năng của Hà Nội và Vùng để tạo cơ hội cho DN.
Các hoạt động XTTM của Hà Nội tại thị trường nước ngoài với nhiều hoạt động phong phú, thiết thực đã mở ra được nhiều thị trường xuất khẩu mới, góp phần đưa kim ngạch xuất khẩu 5 tháng đầu năm 2013 tăng 2,8% so với cùng kỳ trong bối cảnh kinh tế thế giới vẫn đang ở giai đoạn khó khăn.
Trong những năm tới, Hà Nội vẫn xác định: Hoạt động xúc tiến xuất khẩu tập trung vào các khu vực thị trường: Khu vực Nam Mỹ và Trung Mỹ, châu Âu và châu Á (khu vực các nước ASEAN, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ). Trong đó, Nhật Bản, ASEAN, Hàn Quốc, Trung Quốc vẫn là những thị trường xuất khẩu quan trọng nhất của Hà Nội do xu hướng chung là khu vực châu Á ngày càng trở nên quan trọng hơn đối với xuất khẩu của Việt Nam nhờ vị trí địa lý thuận lợi cũng như nhu cầu trên các thị trường này tương đồng hơn với nhu cầu thị trường trong nước của Việt Nam so với các thị trường truyền thống ở Hoa Kỳ và châu Âu. Bên cạnh đó, Hà Nội sẽ tiếp tục khai thác các thị trường thuộc khu vực Trung Đông, Châu Phi đối với một số mặt hàng, dịch vụ có lợi thế của Thủ đô.
Nhằm nâng cao chất lượng Chương trình xúc tiến xuất khẩu thông qua hội chợ triển lãm, kết nối giao thương trong và nước ngoài, Hà Nội sẽ tăng cường và thay đổi phương thức triển khai việc xúc tiến thị trường xuất khẩu cho các DN bằng cách nâng cao chất lượng DN tham gia, tăng cường công tác giới thiệu, quảng bá sản phẩm tại các hội chợ, triển lãm theo sự phân loại: Các thị trường trọng điểm nước ngoài, thị trường mới, thị trường xuất khẩu tiềm năng với sản phẩm của Hà Nội và Vùng kinh tế đồng bằng Bắc bộ.
Cùng với đó, Hà Nội tăng cường tổ chức cho DN tiếp cận trực tiếp với các nhà nhập khẩu nước ngoài, ưu tiên việc đón tiếp các nhà nhập khẩu nước ngoài, DN nước ngoài có nhu cầu tìm kiếm nguồn hàng tại các làng nghề, cơ sở sản xuất công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp sáng tạo, tư vấn thiết kế và thị trường cho DN trong nước; đồng thời, tổ chức hội thảo kết nối giao thương giữa DN Việt Nam với các đoàn DN là nhà nhập khẩu của các thị trường trọng điểm tại Việt Nam và nước ngoài; tổ chức các hội chợ triển lãm "ngược" tại Việt Nam, từng bước tạo ra một hình thức XTTM mới, khai thác và đáp ứng tốt nhu cầu của các nhà nhập khẩu tiềm năng.
Theo Báo Công Thương Điện Tử