Tổng cục Đường bộ Việt Nam vừa tổ chức Hội thảo về nghiên cứu và ứng dụng hệ thống quản lý mặt đường PMS trong công tác bảo trì đường bộ.
Dự án hỗ trợ kỹ thuật “Tăng cường năng lực bảo trì đường bộ” do Chính phủ Nhật bản, thông qua tổ chức JICA viện trợ không hoàn lại cho Tổng cục Đường bộ Việt Nam là dự án thực hiện mục tiêu, chủ trương của Bộ GTVT, Tổng cục Đường bộ Việt Nam nhằm tăng cường năng lực và góp phần đổi mới toàn diện lĩnh vực bảo trì đường bộ. Hiện nay, Dự án đang triển khai nhiều nội dung chính, Hội thảo là một hoạt động nằm trong khuôn khổ của Dự án này.
Ba nghiên cứu điển hình việc áp dụng hệ thống quản lý mặt đường ở cấp địa phương của Nhật Bản – Hướng dẫn quản lý mặt đường tỉnh Nagasaki; Kế hoạch quản lý về bảo trì mặt đường của chính quyền tỉnh Kumamoto; Nghiên cứu điển hình ứng dụng hệ thống quản lý mặt đường ở cấp trung ương Nhật Bản đã được ông Hideyuki Kanoshima, chuyên gia dài hạn của Dự án JICA về bảo trì đường bộ trình bày tại Hội thảo.
Cả ba trường hợp nghiên cứu đường bộ được phân chia thành một số nhóm theo lưu lượng giao thông, chính sách quản lý về vấn đề bảo trì được thành lập riêng cho mỗi nhóm, đoạn quản lý mục tiêu được thành lập, các cuộc họp của các cán bộ liên quan đến công tác mặt đường được tổ chức 2 lần một kỳ (5 năm), cả hai trường hợp chỉ số tích hợp dựa trên đánh giá tình trạng mặt đường (chỉ số MCI) được thông.
Thảo luận về ứng dụng hệ thống quản lý mặt đường tại Việt Nam, các đại biểu tập trung vào các vấn đề về phương pháp đánh giá điều kiện mặt đường, cơ sở dữ liệu mặt đường, chính sách đánh giá và quản lý, phương pháp lựa chọn các đoạn sửa chữa mục tiêu, bảo trì hệ thống máy tính, ranh giới giữa các tổ chức của Tổng cục Đường bộ Việt Nam, công nghệ mới, thời hạn của kế hoạch trung hạn. Các vấn đề còn tồn đọng như các vấn đề về kỹ thuật (chỉ số điều kiện mặt đường, phương pháp ứng dụng phân tích Benchmark…) và các vấn đề về hành chính (ranh giới quản lý của hệ thống) được các đại biểu thảo luận.
Hội thảo lần này nhằm mục đích giới thiệu việc ứng dụng hệ thống quản lý mặt đường để bảo trì đường bộ ở Nhật Bản và làm rõ cách để kết quả đầu ra của Dự án phù hợp với công tác bảo trì đường bộ tại Việt Nam. Qua Hội thảo các cơ quan, đơn vị liên quan có thể nghiên cứu ứng dụng của hệ thống này cho phù hợp với điều kiện Việt Nam để nâng cao hiệu quả kinh tế trong sửa chữa, bảo trì công trình đường bộ.
Theo Tạp chí Đường bộ Việt Nam