Để quản lý hàng hoá đã làm xong thủ tục NK, bảo đảm thực hiện đúng mục đích NK, tại Điều 59, 60 và 61 dự thảo Luật Hải quan sửa đổi đã bổ sung quy định về thủ tục hải quan, chế độ kiểm tra, giám sát hải quan đối với hàng hóa NK để sản xuất hàng hóa XK là nguyên liệu, vật tư NK để gia công, sản xuất hàng hóa XK…
Theo Ban soạn thảo Luật Hải quan (sửa đổi), Luật hiện hành có quy định về thủ tục hải quan, tuy nhiên mới chỉ quy định chung về thủ tục hải quan mà chưa quy định thủ tục hải quan, chế độ quản lý hải quan của các loại hình hàng hoá có tính đặc thù như hàng gia công, sản xuất XK. Trong khi đó, thực tế quản lý đối với các loại hàng hóa này, cần có quy định riêng về chế độ quản lý và thủ tục hải quan cho phù hợp cần thiết được bổ sung để luật hóa khi thực hiện.
Bên cạnh đó, một số loại hình hàng hóa XNK sau khi đã hoàn thành thủ tục hải quan vẫn tiếp tục cần có chế độ quản lý hải quan, theo dõi như hàng gia công, nguyên liệu nhập sản xuất XK. Nhưng Luật Hải quan hiện hành mới chỉ quy định về thủ tục hải quan, chưa đề cập đến việc chế độ quản lý hải quan sau khi hàng hoá đã làm xong thủ tục NK để bảo đảm thực hiện đúng mục đích NK, các chính sách thuế, chính sách quản lý mặt hàng.
Vì vậy, để khắc phục những bất cập trên, Dự thảo Luật Hải quan sửa đổi đã quy định cụ thể về thủ tục hải quan và giám sát hải quan đối với hàng hoá NK để sản xuất hàng XK, bao gồm nguyên liệu, vật tư NK để gia công, sản xuất hàng XK của DN chế xuất, thương nhân gia công cho thương nhân nước ngoài, thương nhân sản xuất hàng XK;
Cùng với đó, dự thảo cũng quy định cụ thể địa điểm lưu giữ hàng hoá, trách nhiệm của chủ hàng trong việc quản lý, thống kê, lưu giữ chứng từ, sổ sách, số liệu hàng hóa đưa vào; thông báo định mức nguyên vật liệu chủ yếu NK; thực hiện thanh khoản; quy định rõ trách nhiệm của cơ quan Hải quan trong kiểm tra việc thực hiện các quy định nêu trên. Thay đổi cách thức quản lý hải quan đối với loại hình này theo hướng DN tự thanh khoản và báo cáo kết quả thanh khoản với cơ quan Hải quan. Cơ quan Hải quan chỉ kiểm tra kết quả thanh khoản trên cơ sở quản lý rủi ro.
Theo đó, tại Điều 59, 60 và 61 dự thảo Luật đã bổ sung quy định về thủ tục hải quan, chế độ kiểm tra, giám sát hải quan đối với hàng hóa NK để sản xuất hàng hóa XK là nguyên liệu, vật tư NK để gia công, sản xuất hàng hóa XK.
Cụ thể:
Điều 59. Kiểm tra, giám sát hải quan đối với hàng hóa nhập khẩu để gia công, sản xuất hàng hóa xuất khẩu
1. Hàng hóa nhập khẩu để sản xuất hàng hóa xuất khẩu là nguyên liệu, nhiên liệu, vật tư nhập khẩu để gia công, sản xuất hàng hóa xuất khẩu phải chịu sự kiểm tra, giám sát hải quan từ khi nhập khẩu, trong quá trình sản xuất ra sản phẩm cho đến khi sản phẩm được xuất khẩu hoặc thay đổi mục đích sử dụng.
2. Hàng hóa nêu tại khoản 1 Điều này chịu sự kiểm tra, giám sát hải quan từ khi nhập khẩu, trong quá trình sản xuất ra sản phẩm cho đến khi sản phẩm được xuất khẩu hoặc thay đổi mục đích sử dụng.
Điều 60. Trách nhiệm của thương nhân gia công, sản xuất hàng hóa xuất khẩu
1. Phải có cơ sở sản xuất để sản xuất hàng hóa xuất khẩu theo quy định của pháp luật.
2. Thông báo định mức sử dụng nguyên vật liệu chủ yếu nhập khẩu để sản xuất sản phẩm xuất khẩu cho cơ quan Hải quan.
3. Sử dụng nguyên liệu, nhiên liệu, vật tư nhập khẩu vào đúng mục đích gia công, sản xuất hàng hóa xuất khẩu. Trường hợp thay đổi mục đích sử dụng thì phải làm thủ tục hải quan theo quy định của Luật này.
4. Lưu giữ nguyên liệu, nhiên liệu, vật tư phục vụ sản xuất và sản phẩm xuất khẩu trong khu vực sản xuất. Trong trường hợp lưu giữ ngoài khu vực sản xuất phải được sự đồng ý của cơ quan hải quan.
5. Thực hiện đầy đủ chế độ quản lý, thống kê, lưu giữ chứng từ, sổ sách, số liệu hàng hóa đưa vào, đưa ra cơ sở sản xuất theo quy định; xuất trình sổ sách, chứng từ, hàng hóa khi cơ quan Hải quan kiểm tra.
6. Thực hiện báo cáo quyết toán việc quản lý, sử dụng nguyên liệu vật tư nhập khẩu, sản phẩm xuất khẩu theo quy định của pháp luật.
Điều 61. Quyền và trách nhiệm của cơ quan Hải quan
1. Kiểm tra cơ sở sản xuất, năng lực sản xuất của thương nhân nhập nguyên liệu, nhiên liệu vật tư để sản xuất hàng hóa xuất khẩu.
2. Kiểm tra việc sử dụng nguyên liệu, vật tư nhập khẩu trong quá trình sản xuất sản phẩm xuất khẩu, kiểm tra số lượng hàng hoá tồn kho của thương nhân sản xuất hàng hóa xuất khẩu.
3. Kiểm tra việc quyết toán, việc quản lý, sử dụng nguyên liệu, nhiên liệu, vật tư của thương nhân nhập nhiên liệu, nguyên liệu để sản xuất, gia công hàng xuất khẩu.
4. Việc kiểm tra nêu tại khoản 2, khoản 3 Điều này thực hiện theo nguyên tắc quản lý rủi ro quy định tại Điều 16, Điều 17 Luật này.
Theo Hải Quan