Thành tựu cải cách, phát triển 27 năm qua của Việt Nam là đáng kể. Song hiệu lực của nhiều cải cách đã “mất đà”, nền kinh tế bộc lộ nhiều yếu kém, cả về vấn đề cơ cấu, sức đề kháng trước các cú sốc, và các vấn đề xã hội, môi trường. Việt Nam cần một cú hích cải cách mới, tiến sĩ Võ Trí Thành nhận định.
Ngày 23-9 tại Hà Nội, Chương trình Hỗ trợ kỹ thuật Hậu gia nhập WTO (Chương trình B-WTO) tổ chức Tọa đàm "Chương trình B-WTO: Các kết quả và định hướng tương lai" nhằm đánh giá lại các kết quả hỗ trợ của các nhà tài trợ trong thời gian qua và gợi mở hướng trợ giúp tiếp theo cho giai đoạn phát triển tới của Việt Nam.
Đây là một trong các hoạt động quan trọng của Chương trình B-WTO nhằm mục tiêu chia sẻ các thành tựu của Chương trình và thảo luận về những thách thức trong công cuộc cải cách, hội nhập kinh tế của Việt Nam hiện nay.
Phát biểu khai mạc, ông Nguyễn Cẩm Tú- Thứ trưởng Công thương-Trưởng Ban chỉ đạo Chương trình cho biết, quá trình hội nhập kinh tế quốc tế đã đem lại những kết quả tích cực và có những tác động đến kinh tế và xã hội, nhưng cũng đặt ra không ít thách thức. Ông Nguyễn Cẩm Tú kêu gọi: “Việt Nam đang hội nhập sâu sắc hơn vào nền kinh tế khu vực và toàn cầu, tiếp tục hoàn thiện chính sách hội nhập, đẩy mạnh cải cách để có thể hội nhập hiệu quả. Chính vì vậy, rất cần tiếp tục nhận được sự ủng hộ và hỗ trợ kỹ thuật của các nhà tài trợ”.
Thứ trưởng Nguyễn Cẩm Tú cảm ơn sự giúp đỡ của các nhà tài trợ và cho rằng, hơn sáu năm kể từ khi Việt Nam gia nhập WTO là một chặng đường không dài nhưng hết sức quan trọng của tiến trình hội nhập quốc tế và chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường. Trong khoảng thời gian đó, Chương trình Hỗ trợ Kỹ thuật Hậu Gia nhập WTO đã có những đóng góp hết sức có ý nghĩa cho tiến trình này.
Còn theo ông Hugh Borrowman, Đại sứ Australia tại Việt Nam, việc gia nhập WTO là bước quan trọng trong quá trình hội nhập của Việt Nam, tuy nhiên vẫn còn rất nhiều thách thức đang đặt ra phía trước với người dân Việt Nam như việc cần tăng năng lực cạnh tranh, chuyển dịch lên nấc thang cao hơn của chuỗi giá trị … Các nỗ lực cải cách mà chương trình đã hỗ trợ không chỉ còn giới hạn ở việc thực thi các cam kết WTO. Các vấn đề Chương trình tham gia giải quyết là những vấn đề của toàn bộ nền kinh tế.
Trao đổi về mối quan hệ giữa quá trình hội nhập và cải cách, ông Võ Trí Thành, Phó Viện Trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương bày tỏ ý kiến: "WTO đã cho Việt Nam thấy rõ hơn mối quan hệ rất chặt chẽ giữa cải cách trong nước với quá trình hội nhập. Chỉ có cải cách trong nước mới tạo ra những điều kiện mà Việt Nam có thể tận dụng tốt các cơ hội mà hội nhập mang lại cũng như có thể giảm thiểu được các rủi ro, kể cả rủi ro đối với sản xuất kinh doanh, đối với người tiêu dùng, đặc biệt là rủi ro bất ổn kinh tế vĩ mô".
Ông Thành nhấn mạnh “Hiện Việt Nam, dù phải nỗ lực ổn định kinh tế vĩ mô và phục hồi tăng trưởng, đang đứng trước thời khắc có tính quyết định trong cải cách và phát triển. Thành tựu cải cách, phát triển 27 năm qua của Việt Nam là đáng kể. Song hiệu lực của nhiều cải cách đã “mất đà”, nền kinh tế bộc lộ nhiều yếu kém, cả về vấn đề cơ cấu, sức đề kháng trước các cú sốc, và các vấn đề xã hội, môi trường. Việt Nam cần một cú hích cải cách mới”.
Ngay từ khi gia nhập WTO, Chính phủ Việt Nam đã kêu gọi các nhà tài trợ giúp đỡ Việt Nam quản lý tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế và chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường sau khi Việt Nam gia nhập WTO. Hưởng ứng lời đề nghị của Chính phủ Việt Nam, Cơ quan Phát triển Quốc tế Australia và Bộ Phát triển Quốc tế Anh đã tài trợ Chương trình B-WTO nhằm hỗ trợ Chính phủ Việt Nam quản lý hội nhập kinh tế và chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường trong giai đoạn sau khi Việt Nam gia nhập WTO.
Giai đoạn một của Chương trình B-WTO (từ tháng 1-2007 đến tháng 3-2008) đã hỗ trợ việc xây dựng Chương trình Hành động của Chính phủ, cụ thể hóa thành các Chương trình hành động của Bộ, ngành, địa phương cũng như thử nghiệm cơ chế triển khai Quỹ Tín thác Đa biên nhằm trợ giúp việc triển khai Chương trình hành động của Chính phủ.
Giai đoạn hai của Chương trình, triển khai từ tháng 9-2009 nhằm mục đích cụ thể là Thực hiện các hành động chính sách ưu tiên trong Chương trình hành động của Chính phủ.
Trong bốn năm qua đã có 48 dự án được triển khai thực hiện, trong đó đã có có 23 dự án được thực hiện để hỗ trợ nhằm hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, sáu dự án hỗ trợ giải quyết thách thức kinh tế -xã hội của hội nhập tới khu vực nông thôn, 11 dự án giúp nâng cao năng lực quản lý và điều phối hội nhập, và tám dự án hỗ trợ thực hiện kế hoạch hành động của các địa phương.
Theo Báo Nhân Dân