Một số thị trường xuất khẩu (XK) lớn của Việt Nam đang bị ảnh hưởng do khó khăn của nền kinh tế thế giới. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa cơ hội XK cho doanh nghiệp (DN) Việt Nam không còn nhiều dư địa nếu biết cách khai thác những thị trường "ngách".
Đón cơ hội từ thị trường mới
Ngay trong khu vực ASEAN, Myanmar và Indonesia là hai thị trường hứa hẹn tiềm năng xuất khẩu với DN Việt Nam, trong đó Myanmar được đánh giá là thị trường lớn trong khu vực với 60 triệu dân.
Ông Lê Đức Duy - Giám đốc Marketing Công ty CP Vinamit cho biết: Hiện, sản xuất nội địa của Myanmar chỉ đáp ứng được 15% nhu cầu, còn lại phải nhập khẩu, do đó, DN Việt có rất nhiều cơ hội đẩy mạnh XK. Sức hấp dẫn của thị trường Indonesia là có dân số đông nhất khu vực Đông Nam Á đến từ việc quốc gia này có tốc độ đô thị hóa ngày càng cao, nhu cầu tiêu dùng tăng nhanh trong khi nhiều mặt hàng Việt Nam phù hợp với yêu cầu của người dân nơi đây.
Ngoài thị trường các nước trong khu vực, thị trường Australia với 23 triệu dân cũng đang mở ra cơ hội cho hàng hóa Việt Nam, đặc biệt là các sản phẩm: Nông sản, thủy sản, da giày... Ngoài ra, Australia và các nước ASEAN đã ký kết các hiệp định thương mại tự do, DN Việt Nam khi XK sang Australia được hưởng ưu đãi thuế quan so với DN của các quốc gia khác.
Ngay tại thị trường được coi là "vùng sâu vùng xa" của Việt Nam như châu Mỹ Latinh với thặng dư thương mại lên đến 52 tỷ USD trong năm 2012 nếu biết tận dụng cũng trở thành cơ hội cho DN Việt Nam khai thác. Báo cáo của Bộ Công Thương cho thấy, hiện một số DN đã XK hàng hóa như gạo, mây tre đan, đồ gỗ, mỳ ăn liền, sản phẩm dệt may... sang một số nước trong khu vực này và bước đầu đã chinh phục được người tiêu dùng Mỹ Latinh nhờ chất lượng tốt, giá cả cạnh tranh.
Làm thật ăn thật
Cơ hội XK sang các thị trường mới đang mở ra với DN Việt Nam, nhưng để đón được cơ hội này, DN cần lưu ý đến các vấn đề về văn hóa, phương thức kinh doanh, cách thức tiếp cận, nhu cầu sản phẩm của từng thị trường.
Ông Trương Cung Nghĩa - Giám đốc điều hành Công ty Nghiên cứu thị trường Trương Đoàn cho rằng: Muốn tiêu thụ hàng hóa tại thị trường Indonesia thì sản phẩm phải có tính độc đáo, bản sắc, không nên mang các sản phẩm cùng loại để cạnh tranh về giá.
Từ thực tế hoạt động XK hàng hóa sang thị trường Australia, ông Đỗ Thắng Hải - Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) tư vấn: DN Việt Nam nên liên kết với DN bản điạ thiết lập hệ thống phân phối riêng rẽ chuyên biệt, độc quyền nhất là với các sản phẩm xuất khẩu có yêu cầu cao về marketing. DN XK hàng nông sản không nên XK trực tiếp bởi phải trả phí rất cao mà nên thông qua nhà phân phối nội địa vốn đã thông thuộc các yêu cầu của nước sở tại.
Thực tế hoạt động XK trong thời gian qua cho thấy, muốn tận dụng, đứng vững tại các thị trường "ngách" đòi hỏi DN cần kiên trì xây dựng thương hiệu, đeo bám thị trường, đẩy mạnh hợp tác với DN bản địa có uy tín, năng lực và có thiện chí hợp tác. Bên cạnh đó, cần chú ý từ bao bì, đến thiết kế mẫu mã, quy cách, đặc biệt phải tìm kênh phân phối cũng như cách thức truyền thông phù hợp với năng lực tài chính và văn hóa địa phương.
Theo Báo Kinh tế & Đô thị điện tử