Từ cuối tháng 6, Ngân hàng Nhà nước đã bỏ trần lãi suất huy động đối với kỳ hạn trên 6 tháng để tăng khả năng cạnh tranh của các ngân hàng và chỉ còn áp trần lãi suất huy động cho các kỳ hạn từ một đến sáu tháng đối với cả tiền gửi bằng VNÐ và ngoại tệ. Thế nhưng hiện nay, không ít ngân hàng thương mại đang phá luôn cả trần lãi suất huy động đối với các kỳ hạn ngắn.
Nhìn mặt trả lãi
Theo khảo sát của người viết tại nhiều ngân hàng nằm gần nhau trên địa bàn một khu phố mới thuộc quận Ðống Ða (Hà Nội), cuộc đua huy động vốn ngầm đang diễn ra mặc dù bên ngoài các phòng giao dịch đều trưng biểu lãi suất với con số đồng nhất. Theo quy định của Ngân hàng Nhà nước, các ngân hàng chỉ được huy động VNÐ kỳ hạn dưới sáu tháng với lãi suất tối đa 7%/năm, lãi suất tiền gửi USD không quá 1,25%/năm.
Tại một ngân hàng thương mại, nhân viên giao dịch cho biết, không cộng vênh lãi suất nhưng khách hàng cao cấp (có số dư tiền gửi từ 500 triệu đồng trở lên) sẽ được cộng thêm 0,17% khi trả lãi vào cuối kỳ. Cách đó vài số nhà, nhân viên của một ngân hàng khác tỏ ra rất thận trọng khi thấy khách hàng mặc cả lãi suất. Sau phần giải thích "Ngân hàng em không dám cộng vênh như trước vì Thanh tra Ngân hàng Nhà nước giám sát rất chặt", nhân viên này thỏa thuận nếu gửi hạn mức từ 500 triệu đồng trở lên, khách hàng sẽ được cộng thêm 0,5% lãi suất và chỉ áp dụng cho kỳ hạn ba tháng. Tiền gửi ngoại tệ cũng được tặng thêm lãi suất nhưng ở mức thấp hơn.
Chị Thu, người gửi tiết kiệm tại một ngân hàng cho biết, vừa được gọi điện thông báo đáo hạn sổ tiết kiệm. Nhân viên ngân hàng tư vấn nên gửi kỳ hạn trên sáu tháng để hưởng mức lãi suất cao hơn. Nhưng nếu khách hàng muốn gửi kỳ hạn dưới ba tháng cũng không thiệt lắm vì sẽ được cộng thêm 0,5% lãi suất chuyển vào tài khoản cuối kỳ. Như vậy, lãi suất kỳ hạn ba tháng thực tế khách hàng được hưởng là 7,5%, chênh không đáng kể so với mức lãi suất 7,8% của kỳ hạn sáu tháng mà vẫn có thể linh hoạt rút vốn. Cá biệt tại một vài ngân hàng nhỏ trên địa bàn TP Hồ Chí Minh còn cộng thêm từ 1 đến 1,5% cho tiền gửi VND và từ 1 đến 1,25% cho tiền gửi bằng USD so với lãi suất ghi sổ.
Có một điểm chung giữa các ngân hàng là chủ trương cộng vênh lãi suất chỉ áp dụng cho khách hàng VIP, trả lãi cuối kỳ. Song, mức trả thêm lãi suất này không còn cao như những tháng trước đây. Ðối với khách hàng mới, cán bộ tín dụng phải phỏng vấn rất kỹ về hạn mức tiền gửi và thậm chí cả mối quan hệ với các ngân hàng khác để sàng lọc, tránh bị cơ quan quản lý phát hiện.
"Vượt rào" không vì thanh khoản
Từ trước đến nay, hiện tượng vượt rào lãi suất thường xảy ra khi hệ thống ngân hàng đối mặt với vấn đề sinh tử là khó khăn về thanh khoản. Nhưng tính đến ngày 18-9, huy động vốn toàn hệ thống ngân hàng tăng 11,74% trong khi tăng trưởng tín dụng chỉ đạt 5,83% so với tháng 12-2012, tức là tốc độ cho vay ra chỉ bằng một nửa tốc độ huy động thì vấn đề thanh khoản không thể biện minh cho hành động xé rào của các ngân hàng thương mại.
Thử lý giải cho hiện tượng bất thường này, chuyên gia kinh tế Ðinh Tuấn Minh cho rằng, có ba lý do. Thứ nhất, cung tiền của các ngân hàng đang vào giai đoạn cuối năm. Thông thường trong quý IV, tăng trưởng tín dụng có thể gấp từ 1,5 đến hai lần tổng tín dụng của các quý trước cộng lại nên các ngân hàng phải tăng huy động để bảo đảm thanh khoản. Thứ hai, nhu cầu tiền mặt cuối năm cao và thứ ba là ngân hàng đón trước xu hướng phát hành trái phiếu Chính phủ để tăng bội chi từ 4,8% lên 5,3% như Chính phủ đã đề xuất với Quốc hội. Vì lãi suất trái phiếu Chính phủ cao sẽ gây sức ép đối với lãi suất tiền gửi huy động từ dân cư của các ngân hàng.
Còn theo TS Cao Sỹ Kiêm, thành viên Hội đồng tư vấn Chính sách tiền tệ quốc gia, nhìn chung thanh khoản của hệ thống ngân hàng ở thời điểm hiện nay đều tốt, nhưng không loại trừ các ngân hàng ở top dưới vẫn khó huy động, buộc phải vượt rào. Với đặc thù hoạt động là huy động để cho vay, ngân hàng buộc phải cạnh tranh để huy động được tiền gửi. Việc này cũng tương tự như doanh nghiệp không có thương hiệu, chưa khẳng định được chất lượng trên thị trường thì phải chấp nhận cạnh tranh với giá tốt hơn. Tuy nhiên, chuẩn mực trong hoạt động của hệ thống ngân hàng có tính đặc thù nên việc cạnh tranh bằng giá rất hạn chế. Những ngân hàng bị phát hiện vượt rào đều nhận án phạt hành chính với tiền và không được mở thêm phòng giao dịch trong thời hạn một năm.
Lãnh đạo một ngân hàng lớn thừa nhận, vượt rào lãi suất không phải vì kém thanh khoản mà chủ yếu là giữ khách và duy trì khả năng nhận diện thương hiệu của ngân hàng mình trên thị trường. Khách hàng quen được mặc cả lãi suất nên "cộng lãi suất vênh" đã trở thành một thuật ngữ quen thuộc của chính sách ưu tiên để giữ chân khách hàng VIP, cho dù mức lãi suất thưởng thêm không đáng kể. Còn đối với khách hàng tiềm năng, ngân hàng này rất hạn chế tình trạng để khách đến rồi lại bỏ đi vì chỉ một hoặc hai lần như vậy, khách sẽ gạt tên ngân hàng ra khỏi đầu và như vậy sẽ không duy trì được khả năng nhận diện thương hiệu của ngân hàng trên thị trường. Do đó, đối với khách hàng mới cũng phải sử dụng "mồi nhử" cộng vênh lãi suất.
Các chuyên gia kinh tế đều có chung nhận định, hiện tượng vượt rào lãi suất huy động trong thời điểm hiện nay chưa phải là một chỉ báo phản ánh sự bất ổn trong hệ thống ngân hàng như những năm trước. Nhưng nó cho thấy việc quản lý bằng công cụ hành chính, cụ thể là trần lãi suất không còn tác dụng và tính kỷ luật của hệ thống ngân hàng bị phá vỡ.
Theo Báo Nhân Dân