Bên cạnh những cơ hội, tiềm năng phát triển ngành logistic sau 5 năm VN gia nhập WTO, ngành dịch vụ logistics VN cũng đang phải đối mặt với nhiều áp lực cạnh tranh.
Nhìn ở góc độ kinh tế vĩ mô, cái "được" lớn nhất là sự đóng góp của ngành dịch vụ logistics vào phát triển thương mại trong nước và XNK, góp phần phát triển nền kinh tế. Nhìn vào tốc độ phát triển thương mại, kim ngạch XNK sau 5 năm gia nhập WTO đã tăng lên 1,86 lần (năm 2007 là 109,21 tỉ USD và năm 2011 là 203,6 tỷ USD), thị trường bán lẻ trong nước tăng bình quân 20-25%/ năm, trong đó sự tăng trưởng của ngành dịch vụ logistics sẽ không dưới 15-20%/năm.
Tiềm năng và cơ hội
Đã có trên 60 hãng tàu và trên 50 hãng hàng không tầm cỡ thế giới đã có mặt và cung ứng các dịch vụ vận tải phục vụ hàng hoá XNK VN. Trong điều kiện khủng hoàng kinh tế toàn cầu, đây là những con số khá ấn tượng cho thấy sự phát triển mạnh mẽ của ngành logistics nước ta.
Về cơ sở hạ tầng, so với thời điểm trước khi gia nhập WTO, đã có rất nhiều tiến bộ mang tính đột phá, đặc biệt trong lĩnh vực đầu tư phát triển cảng biển, trong đó các cảng nước sâu ngang tầm khu vực, mở rộng đường nối các cảng với các khu công nghiệp và vùng đô thị, phát triển đường cao tốc, phát triển thêm các cảng cạn (ICD), các khu logistics, trung tâm logistics, hệ thống kho hiện đại, trung tâm phân phối, và chuẩn bị các điều kiện cơ bản để hình thành trung tâm logistics (logistics hub) của khu vực và thế giới trong thời gian tới.
Hiện nay chúng ta đang nhập siêu trên 80% dịch vụ logistics trong đó có vận tải biển, hàng không, bảo hiểm và dịch vụ logistics có giá trị gia tăng. |
So với thời gian trước, tuy không ồ ạt, nhưng nhờ vận dụng các phương thức hợp tác đầu tư thích hợp, sau hội nhập WTO đã có nhiều tập đoàn, các DN logistics tầm cỡ thế giới có mặt tại VN. Bên cạnh đó, trong nước đã có hơn 1.000 DN kinh doanh dịch vụ logistics, tăng hơn 2 lần so với trước khi gia nhập WTO. Sau 5 năm gia nhập WTO VN đã có sức hút đầu tư quốc tế về cơ sở hạ tầng logistics.
Về thể chế pháp luật có liên quan ngành logistics: Theo cam kết và lộ trình hội nhập các lĩnh vực hoạt động dịch vụ logistics của Chính phủ VN và các bộ, ngành quản lý đã có những động thái và quyết sách tích cực. Bên cạnh Nghị định 140/2007/NĐ-CP, hàng loạt các quy phạm pháp luật về giao thông vận tải, cảng biển, xuất nhập khẩu, hải quan, thuế... trong đó đặc biệt các quy hoạch về giao thông vận tải, cảng biển, vận tải biển, vận tải đường bộ, đường thuỷ, các cảng khô, các khu logistics... đến năm 2020 và tầm nhìn 2030 đã ra đời. Trên thực tế các hành lang pháp lý nêu trên có tác động tích cực đến phát triển ngành logistics.
Đáng chú ý, một đóng góp quan trọng trong việc cải tiến các thủ tục hành chính quốc gia vừa qua là Dự án 30 và đặc biệt là đổi mới trong lĩnh vực hải quan: điện tử hoá hải quan và hải quan một cửa được triển khai cũng góp phần thúc đẩy dịch vụ logistics phát triển.
Gỡ các nút thắt
Cái "chưa được" của ngành vẫn chung quanh các cụm từ "non trẻ, thiếu cạnh tranh, thiếu hợp tác, manh mún" và nặng nề hơn "làm thuê trên sân nhà! ". Điều này cũng giống như một số lĩnh vực, ngành dịch vụ khác sau 5 năm gia nhập WTO. Cũng phải kể đến các bất cập trong đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông vận tải và logistics như việc không đồng bộ, bất cập trong quy hoạch, thiếu chính xác trong dự báo... Đặc biệt hiện nay chúng ta đang nhập siêu trên 80% dịch vụ logistics, trong đó có vận tải biển, hàng không, bảo hiểm và dịch vụ logistics có giá trị gia tăng. Các "nút thắt" như tắc nghẽn giao thông, hạn chế trọng tải và thời gian giao thông trong đô thị, ô nhiễm môi trường hoặc kết nối thông tin, thủ tục chậm... đều ảnh hưởng đến quá trình hoạt động dịch vụ logistics ở VN.
Hành lang pháp lý cho hoạt động dịch vụ logistics từ Luật thương mại (2005) và Nghị định 140/2007/NĐ-CP chưa đủ mạnh, thậm chí không còn phù hợp, và do vậy chưa tạo lập một thị trường dịch vụ logistics lành mạnh, minh bạch, cạnh tranh bình đẳng giữa các thành phần, chưa kể là thiếu chính sách nhất quán và đột phá về hợp tác đầu tư phát triển thị trường logistics, kèm theo các ưu đãi nuôi dưỡng và thúc đẩy thị trường dịch vụ logistics VN.
Sau hội nhập, kim ngạch XK VN có những bước nhảy vọt, điều đó đã rõ, tuy nhiên việc chưa quan tâm trang bị kiến thức về quản trị như logistics và chuỗi cung ứng cho các DN sản xuất, thương mại, XNK như hiện nay là một hạn chế . Theo các nghiên cứu gần đây thì tỉ lệ thuê ngoài dịch vụ logistics có tăng lên đôi chút nhưng vẫn còn tình trạng thụ động trong tập quán "mua CIF bán FOB", mầm mống cho việc nhập siêu dịch vụ logistics hoặc "tự làm" các dịch vụ logistics cũng hạn chế sự phát triển thị trường dịch vụ logistics hiện nay.
Trước những thách thức của thời đại, đặc biệt cuộc khủng hoảng suy thoái kinh tế toàn cầu vẫn chưa có điểm dừng, ngành logistics VN cần phải có chiến lược phát triển bền vững, một chương trình hành động có bước đột phá kế tiếp nhằm tận dụng cơ hội trong hội nhập.
Theo Báo Diễn Đàn Doanh Nghiệp điện tử