Trong chuyến thăm chính thức Hàn Quốc ngày 13-11, Tổng thống (TT) Nga Vladimir Putin đã thúc giục thực hiện dự án xây dựng tuyến đường giao thương mới nối châu Á và châu Âu. Dự án đầy tham vọng này, được gọi là “con đường sắt tơ lụa”, kết hợp mạng lưới đường sắt của Hàn Quốc và CHDCND Triều Tiên, kết nối với châu Âu thông qua tuyến đường sắt xuyên Siberia.
Hãng tin Yonhap khẳng định Hàn Quốc đã đồng ý tham gia dự án phát triển cảng biển và đường sắt ở Triều Tiên do Nga dẫn đầu.
Đáng nói là dự án trên có thể giúp làm giảm căng thẳng giữa Seoul và Bình Nhưỡng, đồng thời mở ra mối liên kết mới về hậu cần giữa Đông Á và châu Âu phù hợp với “Sáng kiến Âu - Á” của TT Hàn Quốc Park Geun-hye. Sáng kiến này kêu gọi liên kết các quốc gia Âu - Á lại với nhau một cách chặt chẽ bằng cách kết nối đường bộ và đường sắt để hình thành tuyến đường chạy từ Hàn Quốc sang châu Âu thông qua Triều Tiên, Nga và Trung Quốc. Có thể nói, thỏa thuận trên giữa Nga và Hàn Quốc là bước đi đầu tiên hướng đến tầm nhìn đầy tham vọng này.
Thỏa thuận trên là kết quả rõ ràng nhất mà cuộc hội đàm giữa nhà lãnh đạo Nga - Hàn Quốc đạt được. Theo đó, dự án Rajin - Khasan sẽ phát triển cảng Rajin ở miền Đông Bắc Triều Tiên thành một trung tâm hậu cần kết nối với tuyến đường sắt xuyên Siberia của Nga. Tháng 9 năm nay, đoạn đường sắt dài 54 km giữa Rajin và thị trấn Khasan của Nga đã hoạt động trở lại sau nhiều năm sửa chữa và nâng cấp.
Ngoài ra, 2 nhà lãnh đạo Nga và Hàn Quốc đã ký bản ghi nhớ đẩy mạnh sự hợp tác trong lĩnh vực đóng tàu. Thỏa thuận này đặt cơ sở cho Hàn Quốc giành được đơn đặt hàng ít nhất 13 tàu chở khí đốt thiên nhiên hóa lỏng từ Nga. Thêm vào đó, 2 bên cũng nhất trí hợp tác trong các dự án dài hạn, bao gồm việc xây dựng đường ống khí đốt thiên nhiên nối Nga và Hàn Quốc qua Triều Tiên và phát triển các tuyến đường thủy ở Bắc Cực để giảm bớt khoảng cách, thời gian giao thông đường thủy giữa châu Á và châu Âu.
Nhà lãnh đạo 2 nước cũng ký tổng cộng 17 thỏa thuận hợp tác, trong đó có thỏa thuận hủy bỏ chế độ thị thực (visa) - cho phép người dân 2 nước qua lại trong vòng 60 ngày không cần thị thực nhập cảnh - cũng như thỏa thuận thành lập các trung tâm văn hóa ở mỗi nước.
Theo NLĐ