Nhiều tuyến quốc lộ qua các tỉnh Nam Trung Bộ vừa được nâng cấp đã hư hỏng hoặc thi công “rùa bò” gây cản trở giao thông và thiệt hại tiền tỉ.
Thực tế đáng lo ngại này được phóng viên Báo Người Lao Động ghi nhận ở hàng loạt đoạn đường thuộc các tuyến Quốc lộ 1A, 25… đi qua địa phận tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận.
Quốc lộ như… miếng bột!
Nhiều người dân ở Ninh Thuận không ngại ngùng khi nhận xét như vậy về tuyến tránh Quốc lộ 1A dài gần 8,5 km qua TP Phan Rang - Tháp Chàm vừa hoàn thành nâng cấp vào cuối năm 2012.
Tháng 4-2009, liên doanh Công ty CP Đầu tư 577 thuộc Tổng Công ty Xây dựng công trình giao thông 5 (Cienco 5) và Công ty CP Đầu tư hạ tầng kỹ thuật TP HCM khởi công tuyến đường tránh nói trên, tổng vốn đầu tư khoảng 550 tỉ đồng, với thiết kế bề rộng nền đường là 29 m, gồm 4 làn xe ô tô, 2 làn xe thô sơ. Cũng trên tuyến tránh này có 4 cây cầu được xây mới và mở rộng. Đây là dự án BOT, liên doanh nhà đầu tư được quyền kinh doanh thu phí với thời hạn 15 năm 7 tháng tại trạm thu phí Cam Thịnh, tỉnh Khánh Hòa.
Có thể nói vào thời điểm năm 2009, đây là đoạn đường có quy mô hoành tráng nhất tỉnh Ninh Thuận. Thế nhưng sau khi đưa vào sử dụng chưa đầy 1 năm, con đường này đã xuống cấp nghiêm trọng. Theo ghi nhận của phóng viên, tình trạng sụt lún, gợn sóng xuất hiện nhiều tại các đoạn dẫn vào các cầu Thành Hải, Sông Quao, vòng xoay Tân Hộ và từ ngã năm Phủ Hà đến cầu Đạo Long 2. Ước tính tổng chiều dài các đoạn sụt lún ít nhất hơn 2 km.
Anh Trần Đăng Quang, ở xã Thành Hải, TP Phan Rang - Tháp Chàm, nhận xét: “Đường gì cứ như bột bánh, mới nâng cấp xong mấy tháng mà lòng đường đã lõm xuống như mặt võng. Không biết vài năm tới, xe cộ có còn lưu thông được không?!”. Anh Trung, cư dân phường Phủ Hà, TP Phan Rang - Tháp Chàm, kể: Do mặt đường gợn sóng quá nặng nên khoảng nửa năm trước, anh chạy xe máy vào ban đêm trên đường này, khi đến gần cầu Thành Hải, xe bị đảo bánh, hất anh văng xuống đường...
Trao đổi với phóng viên, ông Phạm Văn Đình, Giám đốc Ban Quản lý các công trình giao thông tỉnh Ninh Thuận, cho biết đã nghe dư luận phàn nàn về tình trạng xuống cấp của tuyến đường tránh này nhưng do đây là dự án của Bộ Giao thông Vận tải (GTVT), hiện do Phân khu Quản lý đường bộ 7 quản lý nên sở không có thẩm quyền gì.
Hư đâu, vá đó
Tại Khánh Hòa, rất nhiều tuyến đường vừa mới sửa chữa, nâng cấp, đưa vào khai thác hơn 1 năm đã xuất hiện ổ gà, ổ voi, sống trâu...
Trên Quốc lộ 1A, đoạn qua đèo Rù Rì (TP Nha Trang) và đèo Rọ Tượng (xã Ninh Ích, thị xã Ninh Hòa) có chiều dài khoảng 1 km nhưng bề mặt đường lồi lõm hàng trăm mét. Xe cộ qua khu vực này chỉ có thể lưu thông với tốc độ 5-10 km/giờ và thường xuyên xảy ra tai nạn.
Ông Trần Đình Diệu, Giám đốc Công ty CP Quản lý và Xây dựng đường bộ Khánh Hòa, thừa nhận: Quốc lộ 1A qua tỉnh dài khoảng 150 km hiện có rất nhiều tuyến cầu, đường đã xuống cấp nghiêm trọng. Giải pháp tạm thời để xử lý những chỗ hư hỏng là phủ nhựa nhưng chỉ thời gian ngắn là… đâu lại vào đấy.
Ở cửa ngõ phía Bắc TP Nha Trang, đoạn đường dẫn vào trung tâm thành phố chỉ dài khoảng 2,8 km được khởi công từ tháng 9-2009, đến nay vẫn còn dang dở. Đoạn đường có tổng vốn đầu tư 94 tỉ đồng do liên doanh Công ty CP Xây dựng công trình 504 và Công ty CP Xây dựng công trình 505 đảm trách.
Chiều 29-10, phóng viên có mặt tại đoạn đường này ghi nhận khoảng 500 m, đoạn giáp với Quốc lộ 1A, lớp nhựa một bên đường đã bị cắt bỏ. Thế nhưng, ông Nguyễn Công Định, Giám đốc Sở GTVT tỉnh Khánh Hòa, lại nói rằng đường đã hoàn thành và đang thực hiện những công đoạn cuối.
Cũng tại Khánh Hòa, tuyến đường 723 nối TP Nha Trang và Đà Lạt (Lâm Đồng) có chi phí xây dựng hơn 549 tỉ đồng vừa đưa vào sử dụng giữa năm 2012 nhưng đã xuất hiện rất nhiều chỗ sụt lún, vá víu. Lý giải tình trạng “mới xài đã hỏng”, ông Nguyễn Công Định nói do tải trọng xe lớn, trong khi đường chỉ được rải lớp nhựa 7cm. “Ổ gà là điều bình thường. Hư đâu thì vá đấy. Tuy nhiên, hiện kinh phí sửa chữa đường đã hết nên chưa bảo trì được”- ông Định phân trần.
Đổ đá lấp “ổ gà”, “ổ voi”
Năm 2010, Bộ GTVT quyết định sửa chữa, nâng cấp Quốc lộ 25 từ Phú Yên đi Gia Lai với chiều dài 182 km, trong đó đoạn qua tỉnh Phú Yên là 70 km. Khi bắt đầu triển khai gói thầu đoạn từ xã Suối Bạc đến xã Ea Chà Rang (huyện Sơn Hòa) dài 11km thì dự án tạm dừng. Bộ GTVT giao lại tuyến đường cho tỉnh Phú Yên quản lý. Con đường vốn đã xuống cấp giờ lại càng “nát như tương”. Đặc biệt, đoạn từ xã Ea Chà Rang qua xã Krông Pa đến cầu Cà Lúi (giáp với Gia Lai) hơn 10 km lởm chởm đá và đầy “ổ voi”. “Vào mùa mưa, con đường này như một ao bùn lớn, dưới đáy đầy đá nhọn rất nguy hiểm nhưng do kinh phí duy tu, bảo dưỡng quá ít nên việc sửa chữa chỉ bằng cách đổ đá lấp ổ gà, ổ voi”- ông Nguyễn Thành Trí, Giám đốc Sở GTVT Phú Yên, cho biết.
|
Theo Người Lao Động