|
"Châu Phi là thị trường hấp dẫn, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường này tăng liên tục trong nhiều năm qua. Thị trường này nếu được khai thác tốt thì nhiều mặt hàng của Việt Nam sẽ được xuất bán nhiều hơn".
Đó là nhận định của bà Bùi Hoàng Yến, Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến Thương mại Bộ Công Thương, tại hội thảo "Hỗ trợ thông tin thị trường châu Phi - Trung Đông" do Cục Xúc tiến Thương mại và Công ty SGS Việt Nam tổ chức tại TP HCM mới đây.
Trong năm 2012 , Việt Nam xuất khẩu sang thị trường châu Phi đạt 9,1 tỉ USD và nhập khẩu 5,9 tỉ USD. Sáu tháng đầu năm 2013 xuất khẩu được 5,9 tỉ USD, nhập khẩu 3,5 tỉ USD. Các mặt hàng xuất khẩu sang châu Phi chủ yếu là gạo, điện thoại và linh kiện, hàng thủy sản, máy vi tính, điện tử và linh kiện, cà phê, sản phẩm dệt may, đá quý, kim loại quý, giày dép, hạt tiêu, máy móc thiết bị. Việt Nam nhập khẩu các loại hàng hóa từ châu Phi như hạt điều, phế liệu sắt thép, bông, gỗ và các sản phẩm gỗ, dầu thô, đồng, khí đốt hóa lỏng, thức ăn gia súc và nguyên liệu, nguyên phụ liệu dệt may, da, giày, đá quý, kim loại quý.
Việt Nam có 18 dự án đầu tư tại 11 nước của châu Phi, với tổng vốn đầu tư 1,1 tỉ USD, trong đó Tập đoàn Viettel đầu tư 745,6 triệu USD, Tập đoàn Petro Vietnam đầu tư hơn 300 triệu USD và các doanh nghiệp khác đầu tư trong lĩnh vực xây dựng, sản xuất tấm lợp, xe máy, hàng may mặc, điện tử, điện lạnh, thức uống, chế biến gỗ, khoáng sản. Phía châu Phi cũng có 7 quốc gia đầu tư vào Việt Nam với 37 dự án, tổng vốn đầu tư 67,76 triệu USD vào các lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo, bán buôn, bán lẻ, sửa chữa, khoa học công nghệ, dịch vụ.
Ông Đỗ Hữu Huy, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Phi, Tây Á, Nam Á thuộc Bộ Công Thương, cho biết các nước châu Phi trong 2 năm gần đây đã tập trung cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh rất nhiều và đã đạt được hiệu quả cao trong việc thu hút đầu tư nước ngoài qua các chính sách, biện pháp linh hoạt; nới lỏng kiểm soát ngoại hối, giảm thuế, chi phí thuê đất và thử nghiệm các hình thức hợp tác mới. Kinh tế thị trường tự do đã được thiết lập hoàn toàn một phần tại tất cả các nước châu Phi. 41/55 nước ở châu Phi là thành viên của WTO, nhiều nước đang tiến hành dỡ bỏ dần hàng rào phi thuế quan, giảm thuế nhập khẩu, nới lỏng kiểm soát đối với vật giá trong nước.
Cũng theo ông Huy, người tiêu dùng châu Phi trước đây mua sắm, sử dụng hàng Trung Quốc. Tuy nhiên, hiện nay họ đã biết được hàng Trung Quốc có chất lượng kém nên chuyển sang sử dụng hàng hóa Việt Nam và các nước khác, trong đó có Thái Lan, Malaysia. Hàng hóa Việt Nam hiện tạo được niềm tin, chỗ đứng tại thị trường này và được người tiêu dùng ưa thích.
Theo Báo Người Lao Động Điện tử
|