Giá cà phê giảm xuống mức thấp kỷ lục, sản lượng giảm, khó khăn do thủ tục hoàn thuế gây ra... đang được xem là những nguyên nhân khiến cho người trồng cũng như doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu cà phê thua lỗ, ngành cà phê gặp nhiều thách thức.
Khó khăn chất chồng
Ông Đỗ Hà Nam, Phó Chủ tịch Hiệp hội Cà phê – Ca cao Việt Nam (Vicofa ) cho biết, kết thúc niên vụ cà phê 2012 - 2013, người trồng và doanh nghiệp chế biến xuất khẩu cà phê phải đối diện với thua lỗ do giá cà phê giảm mạnh.
Theo Vicofa, niên vụ cà phê 2012 - 2013, Việt Nam xuất khẩu 1,4 triệu tấn cà phê nhân, với kim ngạch xuất khẩu đạt 3,03 tỷ USD, giảm 11,2% về lượng và giảm 10,3% về giá trị so với niên vụ trước. Trong tháng đầu tiên của niên vụ 2013 – 2014 (tháng 10/2013), xuất khẩu cà phê Việt Nam ước đạt 58.000 tấn, với kim ngạch xuất khẩu đạt 119 triệu USD, giảm 8,7% về lượng và giảm 12,4% về giá trị so với tháng trước. Lũy kế xuất khẩu cà phê 10 tháng đầu năm 2013 ước đạt 1,09 triệu tấn, với trị giá 2,33 tỷ USD, giảm 24,6% về khối lượng và giảm 24,4% về giá trị so với cùng kỳ năm 2012.
Hiện giá cà phê nội địa giảm sâu, xuống mức thấp nhất trong 3 năm qua, chỉ còn hơn 30.000 đồng/kg. Giá xuất khẩu (FOB) tại cảng Sài Gòn chỉ còn 1.520 USD/tấn. Vicofa cho rằng, nếu không có biện pháp tháo gỡ thì 2 tháng cuối năm, sản lượng xuất khẩu sẽ tiếp tục giảm.
Cùng với việc giảm giá, cà phê còn giảm sản lượng do nhiều sâu bệnh mới hại vườn cây, đặc biệt hạn hán kéo dài hồi đầu năm đã khiến khoảng 5.000 ha cà phê bị mất trắng và khoảng 40.000 ha cà phê bị ảnh hưởng nghiêm trọng, trong tháng 6 lại xảy ra mưa đá nhiều khiến quả cà phê bị rụng. Bên cạnh đó, diện tích cà phê già cỗi liên tục tăng và đã lên tới 30% tổng diện tích cà phê.
Trong khi mức giá và sản lượng cà phê giảm thì chi phí sản xuất cho 1 ha cà phê lên tới 75 triệu đồng, năng suất chỉ đạt trung bình 2,4 tấn/ha. Những con số này cho thấy, người nông dân trồng cà phê đang lỗ nặng. Dự kiến, sản lượng cà phê trong niên vụ tới sẽ giảm 15%. Đây là thách thức lớn đối với ngành cà phê của Việt Nam...
Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu mặt hàng này cũng đang rơi vào tình trạng khốn khó, nhất là từ việc thay đổi quy trình hoàn thuế giá trị gia tăng (VAT). Ông Lương Văn Tự, Chủ tịch Vicofa cho biết, từ tháng 6/2013 đến nay, do thay đổi quy trình hoàn thuế VAT theo Quyết định số 7527/BTC-TCT khiến hàng loạt doanh nghiệp xuất khẩu cà phê không được hoàn thuế. Việc thu thuế 5% ở khâu mua bán ban đầu rồi hoàn thuế sau xuất khẩu rườm rà trong thủ tục, gây tốn kém cho doanh nghiệp. Do chênh lệch giá cà phê cho nhà xuất khẩu chỉ 2 – 3% nếu không được hoàn thuế VAT 5% thì sẽ thua lỗ lớn. Điều này đã khiến cho nhiều doanh nghiệp phải tạm ngừng mua bán. Mặc dù giá cà phê nguyên liệu đang ở mức thấp nhưng nhiều doanh nghiệp chế biến xuất khẩu cà phê cho biết, họ vẫn không dám đẩy mạnh thu mua vào thời điểm này vì sợ giá tiếp tục đi xuống.
Ông Lương Văn Tự cho rằng, nếu Việt Nam không giải quyết về thuế VAT trước khi vào niên vụ mới 2013 – 2014 thì EU (thị trường tiêu thụ 70% lượng cà phê xuất khẩu của Việt Nam) sẽ chuyển sang tiêu dùng cà phê của Brazil, Ấn Độ, Indonesia, do đó Việt Nam có nguy cơ đánh mất thị trường xuất khẩu lớn này.
Bên cạnh đó, việc thiếu vốn đã khiến các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu cà phê Việt Nam gặp nhiều khó khăn. Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, do thiếu vốn nên 2 năm qua, các doanh nghiệp xuất khẩu cà phê phải vay vốn ngân hàng với lãi suất cao, trung bình 17%/năm, các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, khó cạnh tranh được với doanh nghiệp nước ngoài.
Theo đánh giá của Bộ Tài chính, ngoài những nguyên nhân trên, khó khăn của ngành cà phê còn do vấn đề quy hoạch, đầu tư đối với cây cà phê, trong đó có việc chậm tái canh trong khi cây cà phê đã già cỗi, cho năng suất thấp, chất lượng kém, người trồng cà phê tiềm lực tài chính yếu, không có khả năng đầu tư giống, chăm sóc... Hơn nữa, 3 năm qua, ngành cà phê Việt Nam gặp nhiều khó khăn vì sản xuất thiếu tập trung, 90% các vườn cà phê là hộ cá thể, diện tích từ 2 ha trở xuống, việc đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật, đầu tư chế biến nâng cao chất lượng từ thu hoạch đến chế biến gặp nhiều khó khăn...
Tìm cách gỡ khó
Cà phê Việt Nam hiện đứng đầu châu Á, thứ 2 thế giới sau Brazil về sản lượng và kim ngạch xuất khẩu. Chiếm 14% sản lượng và 16% thị phần xuất khẩu trên thị trường thế giới nhưng ngành cà phê Việt Nam chưa đóng vai trò chi phối thị trường. Thời gian qua, Vicofa đã liên tục có văn bản gửi Bộ Tài chính, Ủy ban Kinh tế Quốc hội để đề xuất các giải pháp tháo gỡ. Trong đó, hiệp hội này đã đề nghị Bộ Tài chính xử lý nghiêm các doanh nghiệp trốn thuế gây rối thị trường. Hiệp hội cũng đề nghị bỏ quy định mới về kiểm soát hoàn thuế VAT, tập trung xử lý các doanh nghiệp trốn thuế, đặc biệt, nếu cần có thể tạm dừng việc hoàn thuế VAT đối với đối với ngành hàng cà phê để chấn chỉnh và lập lại trật tự.
Vicofa cũng đề nghị Bộ Tài chính sớm ban hành Quỹ phát triển ngành hàng cà phê Việt Nam để giúp ngành có nguồn vốn phục vụ việc tạm trữ (niên vụ 2013 - 2014 dự kiến tạm trữ 200.000 tấn) nhằm giữ giá thu mua trong nước cũng như giá xuất khẩu, đảm bảo lợi ích của người trồng cà phê.
Ngoài ra, đại diện một doanh nghiệp thuộc Tổng công ty Cà phê Việt Nam cho rằng, trong tình hình hết sức khó khăn như hiện nay, giá cà phê xuống thấp thì việc mua tạm trữ 200.000 tấn sẽ không đủ để giữ ổn định giá. Doanh nghiệp này đề nghị nên mua tạm trữ 300.000 đến 500.000 tấn cà phê thay vì chỉ 200.000 tấn như hiện nay và thời gian tạm trữ nâng lên 6 tháng để không gây sức ép cho doanh nghiệp khi vừa mua vào đã phải bán ra, tạo điều kiện cho đối tác nước ngoài ép giá các doanh nghiệp Việt Nam.
Trước những đề nghị của Vicofa, đến nay, đã có nhiều giải pháp được đưa ra để tháo gỡ khó khăn cho ngành cà phê, trong đó có giải pháp về tín dụng. Cụ thể, Bộ Tài chính vừa có văn bản số 8277/BTC-TCNH gửi Thủ tướng Chính phủ báo cáo về việc giãn nợ cho vay tín dụng xuất khẩu đối với mặt hàng cà phê. Theo đó, Bộ Tài chính đồng tình với đề xuất gia hạn thời gian vay vốn tối đa đối với các khoản vay tín dụng xuất khẩu của ngành cà phê từ 12 tháng lên 36 tháng mà Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã đề xuất trước đó.
Tuy nhiên, theo Bộ Tài chính, nợ quá hạn tín dụng xuất khẩu đối với mặt hàng cà phê tại Ngân hàng phát triển Việt Nam chỉ chiếm khoảng 11% tổng dư nợ xấu vay từ các tổ chức tín dụng của các doanh nghiệp kinh doanh xuất khẩu mặt hàng này. Do vậy, nếu chỉ xử lý gia hạn nợ vay tín dụng xuất khẩu tại Ngân hàng phát triển Việt Nam thì không giải quyết triệt để khó khăn về vốn với ngành hàng cà phê. Do đó, Bộ Tài chính kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao cho Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ đạo các tổ chức tín dụng có giải pháp để hỗ trợ giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp kinh doanh cà phê.
Theo Cục Xúc tiến Thương mại