Ngày 12/11/2013, tại Brussels, Nghị viện châu Âu (EP) đã tổ chức phiên điều trần thứ 2 kể từ khi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) chính thức đàm phán. Việc giám sát tiến trình, diễn biến đàm phán các hiệp định thương mại tự do là hoạt động thường xuyên theo thẩm quyền của Ủy ban Thương mại quốc tế (INTA) và Ủy ban Giám sát thuộc EP nhằm thông báo cho các bên quan tâm trong xã hội về kết quả, giải đáp thắc mắc liên quan đến nội dung đàm phán các hiệp định.
Chủ tọa phiên điều trần là ông Jan Zahradil, Thường trực Ban thư ký biên tập của INTA. Các diễn giả tham dự gồm Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Phái đoàn Việt Nam tại EU, ông Mauro Petriccione – Trưởng đoàn đàm phán EVFTA của EU, ông Seamus Gillespie – Tư vấn trưởng về Châu Á – Thái Bình Dương của Cơ quan đối ngoại Ủy ban châu Âu, ông Carten Dannohl – Giám đốc đối ngoại của Tổ chức Kinh doanh châu Âu (BusinessEurope), ông Pascal Kerneis – Giám đốc điều hành Diễn đàn Dịch vụ châu Âu (ESF). Các đại biểu được mời tham dự gồm đại diện của các tổ chức xã hội, dân sự, hiệp hội ngành nghề kinh doanh và các doanh nghiệp lớn của châu Âu.
Phiên điều trần tập trung phân tích, giải đáp những quan tâm của đại biểu tham dự về nội dung, đàm phán, cam kết trong EVFTA, lợi ích mang lại cho EU từ hiệp định, nhất là cơ hội đầu tư, tăng trưởng xuất khẩu qua đó đóng góp vào tăng trưởng kinh tế và tạo việc làm mới cho khu vực EU, v.v… Tại phiên điều trần, Đại sứ Phạm Sanh Châu đã có bài trình bày về những lợi ích mà EVFTA dự kiến mang lại cho doanh nghiệp, người tiêu dùng EU, qua đóng góp vào tăng trưởng kinh tế của khu vực EU, Đại sứ cũng thông báo bối cảnh Việt Nam, khu vực và thế giới khi tham gia đàm phán EVFTA, mục tiêu, kỳ vọng cũng như quyết tâm của Việt Nam đối với đàm phán EVFTA. Về phía Ủy ban châu Âu, đây là lần đầu tiên, Trưởng đoàn đàm phán EVFTA công khai cho biết mục tiêu kết thúc đàm phán EVFTA là vào cuối năm 2014 và quyết tâm của hai phía để có một tuyên bố quan trọng về EVFTA tại Hội nghị Thượng định Á-Âu (ASEM) được tổ chức vào tháng 10/2014.
EVFTA sẽ là một Hiệp định thương mại tự do toàn diện, phù hợp với các nguyên tắc của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và được kỳ vọng đem lại lợi ích to lớn cho cả Việt Nam và EU trong tương lai. Hiệp định sẽ bao gồm các lĩnh vực như thương mại hàng hóa, thương mại dịch vụ, đầu tư và các lĩnh vực khác mà hai bên quan tâm. Trong quá trình đàm phán và thực hiện Hiệp định, hai bên cũng sẽ cân nhắc tới sự chênh lệch về trình độ phát triển giữa Việt Nam và EU.
Theo Bộ Công Thương
|