Việc vận dụng những ưu đãi thuế quan thông qua các Hiệp định Thương mại Tự do (FTA) là cơ hội giúp các doanh nghiệp (DN) tiếp tục gia tăng kim ngạch xuất khẩu.
Theo Bộ Công Thương, tính đến nay, Việt Nam đã tham gia 8 FTA song phương và đa phương, đồng thời đang đàm phán 6 FTA khác; Hiệp định Đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) sẽ hoàn tất vào cuối năm 2013; Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) sẽ hoàn tất vào năm 2015.
Những cánh cửa mở ra từ FTA và các Hiệp định này sẽ là động lực thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam nói chung và của ngành xuất nhập khẩu và logistics nói riêng.
Tỷ lệ hàng hóa được hưởng ưu đãi của Việt Nam cao so với các đối tác trong khu vực và luôn có tỷ lệ tăng trưởng cao. Đơn cử tại Hàn Quốc, trên 90% hàng xuất khẩu của Việt Nam được hưởng ưu đãi về thuế thông qua FTA ASEAN-Hàn Quốc.
Trong năm 2012, kim ngạch xuất khẩu của DN Việt Nam sang một số nước có FTA đã đạt được sự tăng trưởng khả quan. Khu vực ASEAN tăng khoảng 27,2%, Nhật Bản tăng 39%, Hàn Quốc tăng 18%. Dự kiến sau khi kết thúc phiên đàm phán TPP và đàm phán FTA với EU, các thị trường mà Việt Nam ký FTA sẽ chiếm khoảng 86% kim ngạch xuất khẩu.
Tuy nhiên, rất nhiều ý kiến của các chuyên gia, các CEO của các DN xuất nhập khẩu và Logistics tại Hội thảo "FTA&Incomterm 2010 - Cơ hội phát triển xuất nhập khẩu và dịch vụ logistics" tổ chức ngày 27/9, tại TPHCM, cho rằng, hầu hết các DN xuất nhập khẩu đang áp dụng mua bán ngoại thương ở phương thức truyền thống (mua CIF và bán FOB). Điều này không chỉ ảnh hưởng tới giá trị xuất khẩu mà còn làm yếu đi ngành dịch vụ logistics vốn còn non trẻ ở nước ta hiện nay.
Ông Đỗ Xuân Quang, Chủ tịch Hiệp hội Giao nhận kho vậnViệt Nam, cho biết với hình thức truyền thống (mua CIF,bán FOB) mà các DN Việt Nam đang duy trì hiện nay sẽ dẫn đến nhiều rủi ro, tăng chi phí cho quá trình xuất khẩu hàng hóa ra thị trường thế giới.
Ông Diệp Thành Kiệt, Phó Chủ tịch Hiệp hội Da giày Việt Nam, cho biết dự kiến tổng kim ngạch xuất khẩu của ngành Da giày năm 2013 là 28 tỷ USD. Khối lượng hàng xuất nhập khẩu của ngành gần 2 triệu TEU/năm, chiếm 1/4 lượng hàng vận chuyển qua các cửa khẩu của cả nước. Giá trị từ vận chuyển của ngành xuất khẩu rất cao nhưng hiện tại có hơn 70% giá trị này rơi vào các tập đoàn vận chuyển đa quốc gia.
Theo ông Võ Xuân Hưng, Phó Trưởng phòng Pháp chế, VCCI TPHCM, đã đến lúc 2 ngành xuất nhập khẩu và logistics cần có sự gắn kết chặt chẽ để cùng phát triển. Bên cạnh việc áp dụng các chính sách kinh tế ưu đãi để hướng các DN thay đổi tập quán kinh doanh cũ (mua CIF, bán FOB), thì bản thân các DN Logistics cũng phải có những bước tiến mới trong việc nâng cao năng lực, trình độ và chất lượng dịch vụ phục vụ.
Theo Cổng Thông tin điện tử Chính phủ