Là khẳng định của ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) trong cuộc gặp gỡ doanh nghiệp ASEAN – EU được tổ chức bên lề Hội nghị thượng đỉnh Kinh doanh ASEAN-EU lần thứ ba diễn ra chiều ngày 8/3 tại Hà Nội.
Theo ông Vũ Tiến Lộc, mối quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại giữa ASEAN, trong đó có Việt Nam và EU có lịch sử lâu đời và là mối quan hệ năng động, hiệu quả nhất trên thế giới trong nhiều năm qua.
ASEAN với trên 600 triệu dân, được xem là khu vực kinh tế năng động với mức tăng trưởng GDP hàng năm khá cao, khoảng 5,5%, kể cả trong điều kiện khủng hoảng kinh tế toàn cầu và đây chính là nhân tố quan trọng tác động đến mối quan hệ của khối với các quốc gia trên thế giới, trong đó có các nước thuộc khối EU.
Trong nhiều năm qua, EU là đối tác thương mại lớn thứ hai của ASEAN, chiếm khoảng 11% thương mại của ASEAN, riêng kim ngạch xuất khẩu của ASEAN sang EU chiếm tới trên 10% tổng kim ngạch xuất khẩu toàn khối.
Đối với Việt Nam, EU là thị trường nước ngoài lớn và quan trọng nhất trong hoạt động xuất khẩu. Trong năm 2012, các doanh nghiệp Việt Nam đã xuất khẩu sang thị trường EU lượng hàng hóa trị giá 20,3 tỷ USD, tăng 22,5% so với năm 2011 và chiếm 17,7% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam.
Đây vừa là nền tảng, vừa là động lực để EU và ASEAN đã và đang tích cực đàm phán Hiệp định thương mại tự do (FTA) giữa hai bên với mục tiêu thúc đẩy và nâng cao hơn nữa quan hệ hợp tác giữa hai bên.
Hiện Việt Nam và EU đã trải qua 2 vòng đám phán về Hiệp định thương mại tự do và dự kiến trong năm 2013 sẽ tiếp tục vòng đám phán thứ ba.
"EU-thị trường lớn nhất thế giới với 500 triệu người tiêu dùng, đây là một thị trường rộng lớn cho DN Việt Nam xuất khẩu hàng hóa. Nhưng điều quan trọng hơn cả, nếu FTA với EU được ký kết sẽ mở ra cơ hội cho cả hai phía trong việc mở rộng thị trường với ít rào cản nhất. Đồng thời các mức thuế xuất vào thị trường này sẽ giảm đáng kể. Chẳng hạn thuế xuất ngành da giày sẽ giảm từ 12,4% hiện nay xuống còn 0%, điều này sẽ tạo cho ngành da giày lợi thế cạnh tranh so với các nước trong khu vực"– ông Lộc nói.
Bên cạnh đó, FTA còn tạo thêm cơ hội cho các doanh nghiệp thu hút đầu tư từ các nước EU trong nhiều lĩnh vực, như: nghiên cứu thị trường, phát triển sản phẩm, máy móc thiết bị...
Việc hợp tác này cũng là tiền đề cho các doanh nghiệp nâng cao chất lượng, mẫu mã sản phẩm, tạo nên đối trọng trong cạnh tranh với hàng hóa đến từ Trung Quốc, bởi đến năm 2015 thị trường ASEAN sẽ phải mở cửa cho hàng hóa Trung Quốc thâm nhập.
Tuy nhiên, ông Vũ Tiến Lộc cũng cho rằng, ngoài những thuận lợi từ FTA nói trên, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức mà điển hình là khi FTA được ký kết thì mức thuế của cả hai phía giảm sẽ khiến giá hàng hóa từ EU giảm mạnh. Và hệ quả là việc tiêu thụ sản phẩm sản xuất trong nước tại thị trường nội địa sẽ gặp khó khăn, thậm chí sẽ có những ngành phải thu hẹp sản xuất do không cạnh tranh được.
Bên cạnh đó, khi hoạt động xuất khẩu vào thị trường EU được đẩy mạnh thì nguy cơ các doanh nghiệp phải đối mặt với các vụ kiện chống bán phá giá sẽ thường xuyên hơn và ở mức độ rộng hơn, trong khi đây là lĩnh vực mà doanh nghiệp trong nước còn ít kinh nghiệm xử lý.
Song, nếu các doanh nghiệp trong nước chủ động, tích cực phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước, đồng thời xây dựng tốt mối liên kết với nhau để cùng tìm cách khắc phục khó khăn thì bất lợi từ FTA giữa ASEAN, trong đó có Việt Nam và EU sẽ được giảm thiểu.
Liên quan đến hoạt động thu hút đầu tư nước ngoài từ EU vào Việt Nam, ông Vũ Tiến Lộc khẳng định, Việt Nam có lợi thế so với các nước ASEAN về chi phí lao động thấp và nguồn nhân lực có trình độ, tay nghề của một số ngành, như: dệt may, da giày, công nghệ thông tin, viễn thông... sẽ tạo ra động lực tiếp tục thúc đẩy dòng vốn FDI vào Việt Nam.
Hiện nay, EU có 1.781 dự án đầu tư tại Việt Nam với tổng vốn đăng ký hơn 33,4 tỷ đô la. Riêng trong năm 2012, mặc dù kinh tế thế giới nhiều khó khăn, song EU cũng đã đầu tư gần 900 triệu USD trong tổng số 13 tỷ USD cam kết. Điều đó cho thấy thị trường Việt Nam vẫn có sức hút lớn đối với các doanh nghiệp EU.
Theo Báo Công Thương Điện Tử