Theo báo cáo của Bộ Công thương, tính chung cả 11 tháng năm 2013, xuất khẩu đạt hơn 121 tỷ USD. Với đà này, dự báo kim ngạch xuất khẩu cả năm đạt khoảng 133,5 tỷ USD, vượt kế hoạch đề ra (126 tỷ USD).
Xuất khẩu tăng tốc
Theo báo cáo của Bộ Công thương, tình hình xuất nhập khẩu những tháng cuối năm có những chuyển biến tích cực. Số liệu tổng hợp về tình hình xuất khẩu cho thấy, kinh ngạch xuất khẩu tháng 11/2013 tăng trên 17,9% so với cùng kỳ năm 2012, ước đạt 12,3 tỷ USD. Kim ngạch nhập khẩu tháng 11/2013 ước khoảng 12,25 tỷ USD, tăng 22,3% so cùng kỳ.
Với đà này, kim ngạch xuất khẩu cả năm 2013 ước đạt khoảng 133,5 tỷ USD, tăng khoảng 16,6% so với năm 2012; nhập khẩu ước đạt khoảng 134 tỷ USD, tăng 17,8%. Dự báo, cán cân thương mại cả năm 2013 có thể ở mức nhập siêu khoảng 500 triệu USD.
Bộ Công thương cho biết, mặc dù vẫn còn gặp khó khăn nhưng xuất nhập khẩu của khối doanh nghiệp trong nước bắt đầu khôi phục và có xu hướng tăng dần. Kim ngạch xuất khẩu của khu vực này trong 11 tháng tăng khoảng 3,6% (11 tháng năm 2012 tăng khoảng 1,4%) và kim ngạch nhập khẩu tăng 6% (11 tháng năm 2012 giảm 7,6%).
Xuất nhập khẩu của khối doanh nghiệp FDI tiếp tục tăng trưởng tốt (xuất khẩu tăng 23,5%, nhập khẩu tăng 26%, cả khối xuất siêu 12,2 tỷ USD) đóng góp quan trọng vào mức tăng trưởng kim ngạch của cả nước.
Cơ cấu xuất khẩu có sự chuyển dịch tích cực, phù hợp với lộ trình thực hiện mục tiêu của Chiến lược phát triển xuất nhập khẩu hàng hóa thời kỳ 2011-2020, định hướng đến năm 2030, theo hướng tăng dần tỷ trọng nhóm hàng công nghiệp chế biến, giảm tỷ trọng nhóm nông sản, thủy sản và nhóm nhiên liệu khoáng sản.
Cụ thể, trong 11/2013, tỷ trọng nhóm công nghiệp chế biến đạt 70,6%, nhóm nông sản, thủy sản 15%; nhóm nhiên liệu khoáng sản 7,3% (11 tháng năm 2012, tỷ trọng 3 nhóm này lần lượt là 64,3%; 18,4% và 10,3%).
Sự tăng trưởng của kim ngạch nhập khẩu nhóm hàng cần nhập khẩu phục vụ sản xuất và đầu tư trong 11 tháng năm 2013 (tăng 16,5% so với cùng kỳ) cho thấy sự phục hồi của nền kinh tế (11 tháng năm 2012 kim ngạch nhập khẩu của nhóm này chỉ tăng 9,8%).
Mục tiêu giảm nhập siêu từ Trung Quốc
Theo bà Nguyễn Việt Chi - Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á - Thái Bình Dương (Bộ Công thương), từ năm 2000 đến nay mức nhập siêu từ Trung Quốc không ngừng tăng trưởng, từ 210 triệu USD lên 19 tỷ USD năm 2012. 10 tháng đầu năm 2013, mức nhập siêu này tăng lên đến 19,6 tỷ USD.
Đứng trước tình hình nhập siêu từ Trung Quốc, trong thời gian vừa qua, Bộ Công thương đã phối hợp với các bộ ngành liên quan, các địa phương triển khai một loạt các giải pháp rất quyết liệt và đồng bộ để giải quyết vấn đề nhập siêu từ Trung Quốc.
Theo bà Chi, sau nhiều nỗ lực của Bộ Công thương cũng như các đơn vị liên quan, thực tế đã đạt được kết quả rất tích cực, cụ thể là tốc độ tăng nhập siêu từ nước này giai đoạn từ 2001 - 2008, tốc độ tăng nhập siêu trung bình trên 85% thì hiện nay đã giảm xuống 17%/năm.
Cơ cấu hàng hóa xuất nhập khẩu cũng có những chuyển biến rất tích cực, cụ thể tỷ trọng nhóm hàng gia công cao là 10% đã tăng lên 40% năm 2012. 10 tháng đầu năm, tỷ trọng này đã tăng lên hơn 50%; nhóm hàng nông sản tăng từ 20-30%...
Ngoài ra, Bộ cũng phối hợp với các Bộ ngành chuyên môn hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn chất lượng và hàng rào kỹ thuật đối với nhóm hàng nhập khẩu, đặc biệt là các nhóm hàng máy móc thiết bị, rau quả và thực phẩm, điện tử để đảm bảo các tiêu chuẩn chất lượng hàng nhập khẩu. Đồng thời ngăn chặn những mặt hàng nhập khẩu không đáp ứng được yêu cầu về chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm, ảnh hưởng đến sức khỏe và môi trường...
Theo thoibaotaichinhvietnam