Bộ Công Thương dự báo, nếu không có yếu tố đột biến, khả năng tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2013 đạt khoảng 132 tỷ USD, vượt mức dự báo từ tháng trước (131 tỷ), tăng hơn 16% và cao hơn nhiều so với mục tiêu đề ra đầu năm (126,1 tỷ USD. Con số này nếu đạt được sẽ tăng 15% so với năm 2012, vượt chỉ tiêu Quốc hội đề ra (tăng 10%).
Dự báo, nhập khẩu năm 2013 khoảng 132,5 tỷ USD. Nhập siêu khoảng 0,5 tỷ USD, bằng 0,38% kim ngạch xuất khẩu, thấp hơn nhiều so với chỉ tiêu của cả Quốc hội và Chính phủ đề ra.
Theo số liệu của Bộ Công thương, trong tháng 11, xuất siêu đạt 50 triệu USD, bằng 0,41% tổng kim ngạch xuất khẩu.
Xuất siêu tháng 11 đã đưa nhập siêu 11 tháng xuống còn 96 triệu USD, bằng 0,08% tổng kim ngạch xuất khẩu. Trong đó, khu vực doanh nghiệp trong nước nhập siêu 12,3 tỷ USD; khu vực FDI không kể dầu thô xuất siêu khoảng 5,6 tỷ USD, kể cả dầu thô xuất siêu khoảng 12,2 tỷ USD.
Năm 2013, chiến lược đàm phán FTA đã được thông qua và chiến lược hội nhập kinh tế quốc tế đang được hoàn thiện, đã đánh dấu một mốc mới trên con đường hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam. Việt Nam hoàn thành các nghĩa vụ tại WTO, đảnh mạnh các hoạt động trong ASEAN, ASEM, APEC và chủ động trong các đàm phán song phương như FTA với EU, EFTA, Liên minh Hải quan, TPP, Hàn Quốc- những đối tác có cơ cấu kinh tế bổ sung với Việt Nam nên được dự báo đây sẽ là những hiệp định FTA hết sức có hiệu quả.
Xuất khẩu tăng cao những tháng cuối năm
Theo Bộ Công thương, tháng 11, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 12,3 tỷ USD, tăng 17,9% so với tháng 11 năm 2012.
Tính chung 11 tháng, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 121,023 tỷ USD, tăng 16,2% so với cùng kỳ. Trong đó, xuất khẩu của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (không kể dầu thô) ước đạt hơn 74,56 tỷ USD, tăng 28,5% so với cùng kỳ.
Tính đến nay đã có 21 mặt hàng đạt từ 1 tỷ USD trở lên, trong đó Nhóm Công nghiệp chế biến là 16 còn lại 5 mặt hàng thuộc Nhóm Nông, lâm, thuỷ sản. Đồng thời cũng xuất hiện hai mặt hàng gần đạt 1 tỷ USD. Đó là Rau quả (937 triệu USD), Sắn và các loại sản phẩm từ sắn (999 triệu USD ).Nếu giữ nhịp như tháng 11 thì cả năm sẽ vào TOP 1 tỷ USD.
Theo đánh giá của Bộ Công thương, cơ cấu xuất khẩu đã có sự chuyển dịch tích cực, phù hợp với lộ trình thực hiện mục tiêu của Chiến lược phát triển xuất nhập khẩu hàng hóa thời kỳ 2011-2020, định hướng đến năm 2030, theo hướng tăng dần tỷ trọng nhóm hàng công nghiệp chế biến, giảm tỷ trọng nhóm nông sản, thủy sản và nhóm nhiên liệu khoáng sản.
Nhóm hàng công nghiệp chế biến với kim ngạch xuất khẩu ước đạt 85,5 tỷ USD, tăng 27,3% và chiếm tỷ trọng khoảng 70,6%, khẳng định nhóm này tiếp tục giữ vị thế hàng đầu của sự tăng trưởng xuất khẩu vừa với tỷ trọng lớn vừa với tốc độ tăng cao hơn tốc độ tăng của Tổng kim ngạch xuất khẩu và vì với số lượng áp đảo các mặt hàng đạt kim ngạch từ 1 tỷ USD trở lên.
Trong nhóm hàng công nghiệp chế biến, đặc biệt phải kể đến điện thoại các loại và linh kiện là mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu cao nhất, đạt 20,2 tỷ USD, tăng 78,4% so với cùng kỳ. Ngoài ra, một số mặt hàng có kim ngạch cao và tăng trưởng ổn định là dệt may đạt 16,45 tỷ USD, tăng 19,7%; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện 9,9 tỷ USD, tăng 41,6%; giày dép 7,45 tỷ, tăng 14,2%,...
Kim ngạch xuất khẩu nhóm nhiên liệu, khoáng sản ước 8,7 tỷ USD, giảm 18,7%. Trừ quặng và khoáng sản khác có kim ngạch xuất khẩu tăng 10,1% so với cùng kỳ, các mặt hàng than đá, dầu thô và xăng dầu các loại đều tiếp tục giảm cả về lượng và kim ngạch xuất khẩu. Điều này phù hợp với chủ trương giảm xuất khẩu khoáng sản thô và giảm dần tỷ trọng nhóm hàng này trong tổng kim ngạch xuất khẩu chung của cả nước.
Nhóm nông, lâm, thuỷ sản ước với kim ngạch xuất khẩu 11 tháng đạt 18,12 tỷ USD, chiếm 15% tổng kim ngạch xuất khẩu và giảm 5,8% so với cùng kỳ năm 2012.
Kim ngạch xuất khẩu của nhóm nông sản, thủy sản giảm so với cùng kỳ xuất phát từ cả hai yếu tố lượng và giá. Cà phê, gạo là những mặt hàng có cả lượng và giá xuất khẩu giảm so với cùng kỳ khiến cho kim ngạch xuất khẩu giảm (kim ngạch xuất khẩu cà phê giảm 26,1%, gạo giảm 18,8%).
Mặt hàng cao su vẫn duy trì sự tăng trưởng về lượng (tăng 4,3%) nhưng do giá xuất khẩu giảm đã làm kim ngạch xuất khẩu giảm 13,4%. Xuất khẩu những mặt hàng khác trong nhóm đạt tăng trưởng dương so với cùng kỳ như thủy sản tăng 9,6%; rau quả tăng 24,2%; hạt tiêu tăng 16,1%.
Kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng hóa khác ước đạt 8,75 tỷ USD.
Xét trên phương diện giá xuất khẩu, một số mặt hàng xuất khẩu dưới dạng thô nên chịu ảnh hưởng tức thời của giá thế giới giảm, như: nhân điều; hạt tiêu; gạo; cao su; than đá; dầu thô; xăng dầu các loại; quặng và khoáng sản khác; phân bón; chất dẻo nguyên liệu; sắt thép các loại... Tuy vậy, bù lại cũng có một số mặt hàng giá tăng như chè các loại; sắn và sản phẩm từ sắn; xơ, sợi dệt các loại.
Đứng về mặt số lượng, các mặt hàng có lượng xuất khẩu tăng gồm: nhân điều; hạt tiêu; than đá; quặng và khoáng sản khác; xơ, sợi dệt các loại; sắt, thép các loại.. Tuy nhiên, một số mặt hàng giảm như: cà phê; chè các loại; gạo; sắn và các sản phẩm từ sắn; dầu thô; xăng dầu các loại; phân bón các loại...
Kiểm soát tốt nhập khẩu
Tính chung 11 tháng, kim ngạch nhập khẩu đạt 121,12 tỷ USD, tăng 16,5% so với cùng kỳ.
So với cùng kỳ, kim ngạch của nhóm hàng cần nhập khẩu ước đạt gần 106,4 tỷ USD, tăng 16,5% và chiếm tỷ trọng 87,8%.
Kim ngạch của nhóm hàng cần kiểm soát nhập khẩu ước đạt 4,1 tỷ USD, tăng 1,5% và chiếm tỷ trọng 3,4%.
Kim ngạch của nhóm hàng hạn chế nhập khẩu ước đạt gần 5,7 tỷ USD, tăng 15,8% và chiếm tỷ trọng 4,7%
Sự tăng trưởng của kim ngạch nhập khẩu nhóm hàng cần nhập khẩu phục vụ sản xuất và đầu tư trong 11 tháng năm 2013 cho thấy sự phục hồi của nền kinh tế.
Những số liệu trên cho thấy hoạt động xuất nhập khẩu 11 tháng năm 2013 đã đạt những kết quả tích cực. Xuất khẩu tiếp tục tăng trưởng tốt, đóng góp quan trọng vào việc tiêu thụ sản phẩm sản xuất trong nước.
Quy mô và tốc độ tăng trưởng của xuất khẩu đã được mở rộng và tăng trưởng ở mức độ khá cao. Tốc độ tăng xuất khẩu cao hơn tốc độ tăng nhập khẩu giúp cán cân thương mại dần được cải thiện.
Theo VOV