Nhân Hội nghị Ngoại giao 28 và Hội nghị Tham tán thương mại 2013, Bộ Công Thương và Bộ Ngoại giao vừa tổ chức phiên họp chung bàn về các vấn đề phối hợp giữa hai Bộ nhằm nâng cao công tác kinh tế đối ngoại, hội nhập quốc tế.
Chiến lược hội nhập tới năm 2020
Tại phiên họp, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng đã có tham luận về "Chiến lược hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam đến năm 2020 và phương hướng triển khai", trong đó nhấn mạnh, Bộ Công Thương được Thủ tướng giao chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng Chiến lược hội nhập kinh tế quốc tế đến năm 2020 dựa trên Chiến lược phát triển kinh tế- xã hội giai đoạn 2012- 2020 đã được Đại hội Đảng XI thông qua, trong đó đặt ra nhiều mục tiêu quan trọng: Phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng GDP bình quân 7- 8%/năm; tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ chiếm khoảng 85% GDP; giá trị sản phẩm công nghệ cao và sản phẩm ứng dụng công nghệ cao chiếm khoảng 45% GDP; giá trị sản phẩm công nghiệp chế tạo chiếm khoảng 40% trong tổng giá trị sản xuất công nghiệp; nông nghiệp phát triển theo hướng hiện đại, hiệu quả, bền vững với nhiều sản phẩm có giá trị gia tăng cao...
Chiến lược cũng đặt ra các vấn đề cần đẩy mạnh trong thời gian tới, bao gồm: Mở rộng thị trường nội địa, đa dạng hóa thị trường ngoài nước, khai thác có hiệu quả các thị trường có Hiệp định Thương mại tự do và thị trường tiềm năng, tăng nhanh xuất khẩu, giảm nhập khẩu cả về quy mô và tỷ trọng, phấn đấu cân bằng xuất nhập khẩu, chủ động tham gia vào mạng lưới phân phối toàn cầu, phát triển nhanh hệ thống phân phối các sản phẩm có lợi thế cạnh tranh ở cả trong và ngoài nước, xây dựng thương hiệu hàng hóa Việt Nam...
Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng nhận định: Toàn cầu hóa kinh tế vẫn là xu thế chủ đạo. Khu vực châu Á- Thái Bình Dương sẽ là "đầu tàu" kinh tế.
Thời cơ tốt cho kinh tế đối ngoại
Phát biểu chỉ đạo tại phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng, không lúc nào thích hợp hơn thời điểm này để Việt Nam tận dụng tốt các cơ hội đến từ thị trường nước ngoài, đẩy mạnh phát triển kinh tế trong nước. 3 năm qua, Việt Nam đã ký kết các hiệp định hợp tác kinh tế quan trọng, tham gia nhiều diễn đàn quốc tế uy tín, nâng quan hệ đối tác chiến lược và đối tác toàn diện với nhiều nước... Năm 2014 và những năm tiếp theo hứa hẹn thời cơ thuận lợi cho phát triển kinh tế, đó là khi kết thúc đàm phán TPP và 6 FTA quan trọng, trong đó phải kể đến FTA với khu vực EU hay với Liên minh hải quan Nga- Karzakstan- Belarus. Nhiệm vụ trọng tâm của hai Bộ là phối hợp để đẩy mạnh ngoại giao phục vụ kinh tế, mang lại hiệu quả thiết thực cho đất nước.
Thủ tướng nhấn mạnh, tăng trưởng kinh tế phụ thuộc nhiều vào thị trường xuất khẩu. Do vậy, mỗi tham tán thương mại, cơ quan đại diện Việt Nam tại nước ngoài phải là những người xung kích, quyết định mở rộng thị trường, đặt lợi ích quốc gia lên hàng đầu. Thời gian tới, các doanh nghiệp cần tranh thủ cam kết quốc tế và thỏa thuận thương mại tự do (FTA) để mở rộng thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu. Ngoài các thị trường truyền thống và các mặt hàng chủ lực, chú ý tới các khu vực Trung Đông, Mỹ Latinh, Bắc Phi... Đừng bỏ lỡ các thị trường nhỏ, vì nhiều thị trường nhỏ cộng lại sẽ lớn hơn các thị trường lớn!
Theo Báo Công Thương Điện Tử