Năm 2013, cán cân thương mại tính theo giá CIF thặng dư khoảng 863 triệu USD và tính theo giá FOB thặng dư khoảng 11-12 tỷ USD
Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình bày tại Hội nghị trực tuyến giữa Chính phủ với các địa phương ngày 23-24/12/2013 cho biết, trong năm 2013 do tình hình kinh tế thế giới và trong nước khó khăn, nhu cầu nhập khẩu của nhiều thị trường giảm. Điều đó kéo theo giá cả một số mặt hàng chủ lực giảm hoặc không tăng so với cùng kỳ năm trước.
Tuy nhiên, xuất khẩu của Việt Nam vẫn duy trì đà tăng trưởng và cao hơn nhiều chỉ tiêu đề ra, cơ bản cân bằng xuất nhập khẩu, góp phần cải thiện cán cân thanh toán quốc tế, tăng dự trữ ngoại tệ Nhà nước.
Theo đó, uớc cả năm 2013, tổng kim ngạch xuất khẩu ước đạt khoảng 132,2 tỷ USD, tăng 15,4%, vượt chỉ tiêu kế hoạch Quốc hội đề ra (10%) nhưng thấp hơn so với tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu của năm 2012 (tăng 18,2% so với năm 2011).
Tổng kim ngạch nhập khẩu ước đạt khoảng 131,3 tỷ USD, tăng 15,4% so với năm 2012 (cùng kỳ tăng 6,6%); xuất siêu khoảng 863 triệu USD, bằng 0,65% tổng kim ngạch xuất khẩu.
Cán cân thương mại (tính theo giá CIF) thặng dư khoảng 863 triệu USD (năm 2012 thặng dư khoảng 749 triệu USD). Tuy nhiên, nếu tính theo giá FOB, cán cân thương mại năm 2013 thặng dư khoảng 11-12 tỷ USD, cao hơn mức 9 tỷ USD năm 2012. Cán cân thanh toán tổng thể năm 2013 ước thặng dư khoảng 2 tỷ USD, là năm thứ 3 liên tiếp Việt Nam đạt được mức thặng dư cán cân tổng thể so với mức thâm hụt trong 2 năm 2009-2010.
Mặc dù vậy, tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam chủ yếu dựa vào tăng trưởng khu vực FDI. Bên cạnh đó, xuất khẩu của nhóm hàng công nghiệp chế biến vẫn giữ vai trò quan trọng, góp phần vào tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu chung. Trong khi đó, nhóm hàng nông sản, thủy sản, nhiên liệu khoáng sản giảm.
Điều đáng chú ý là nhập siêu từ Trung Quốc vẫn còn khá lớn, cả năm ước khoảng 23,7 tỷ USD.
Trên cơ sở đó, báo cáo đề ra phương hướng để đẩy mạnh xuất khẩu, kiểm soát nhập khẩu trong năm 2014.
Theo đó, tiếp tục thực hiện các giải pháp đẩy mạnh xuất khẩu, kiểm soát chặt chẽ việc nhập khẩu đối với các mặt hàng không khuyến khích và các mặt hàng trong nước đã sản xuất được.
Việc đàm phán các Hiệp định thương mại tự do (FTA), nhất là Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), Hiệp định thương mại tự do với EU... tiếp tục thực hiện một cách chủ động, tích cực trên nguyên tắc bình đẳng, cùng có lợi và bảo đảm lợi ích quốc gia.
Trong hoạt động này không thể thiếu công tác xây dựng chương trình hành động cụ thể triển khai có hiệu quả và ứng phó kịp thời các tác động, ảnh hưởng.
Hoạt động xúc tiến thương mại, xúc tiến xuất khẩu cho các mặt hàng xuất khẩu chủ lực (lúa, cà phê, cao su, tôm, cá, cây ăn quả..) vào các thị trường xuất khẩu trọng điểm, thị trường mới có nhiều tiềm năng phải được ưu tiên.
Ngoài ra phải có cơ chế chính sách phù hợp thúc đẩy liên kết sản xuất với tiêu thụ sản phẩm đối với các mặt hàng nông sản chủ lực khác; quy hoạch thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo theo hướng khuyến khích liên kết giữa người sản xuất và thương nhân xuất khẩu.
Các Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Khoa học và Công nghệ, Công Thương, các bộ, cơ quan liên quan phải rà soát các thị trường xuất khẩu nông, lâm, thủy sản trọng điểm, hệ thống hóa những yêu cầu chất lượng, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật để phổ biến kịp thời cho thương nhân xuất khẩu, người sản xuất; đẩy mạnh công tác thỏa thuận với nước nhập khẩu công nhận lẫn nhau về chất lượng hàng hóa.
Báo cáo cũng cho biết sẽ xây dựng và công bố trong quý II năm 2014 Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu. Danh mục này phải kiểm tra việc bảo đảm chất lượng, quy cách kỹ thuật, an toàn thực phẩm trước khi thông quan và hướng dẫn cụ thể việc kiểm tra, xác nhận chất lượng hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu.
Theo Trí Thức Trẻ